Hợp tác để phát triển tiền điện tử của các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu?
Ngân hàng Trung ương (NHTW) của các quốc gia đang nỗ lực phát triển đồng tiền điện tử (CBDC) của riêng mình. Nhưng thế giới thực sự cần loại CBDC nào?
Theo dữ liệu khảo sát do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế công bố, 80% trong số 66 NHTW trên thế giới cho biết họ đang nghiên cứu công nghệ tiền kỹ thuật số và khoảng 20% cho biết họ có khả năng phát hành tiền kỹ thuật số trong 6 năm tới.
Nhiều quốc gia và thị trường mới nổi đang phát triển CBDC để thúc đẩy bao trùm tài chính và nâng cao hiệu quả thanh toán nền kinh tế của họ. Đồng thời, một số nước phát triển đang phát triển CBDC để cải thiện hiệu quả thanh toán liên ngân hàng, tăng cường bảo mật, cung cấp trải nghiệm thanh toán giao dịch nhanh hơn và minh bạch hơn, đồng thời phát triển thị trường vốn mạnh mẽ hơn.
Hầu hết các NHTW đang thiết kế và phát triển CBDC của mình dựa trên nhu cầu của mỗi quốc gia, nhưng câu hỏi đặt ra là, thế giới thực sự cần loại CBDC nào và tình hình thanh toán toàn cầu hiện tại đang ra sao?
Thanh toán bán lẻ và bán buôn
Cho đến nay, thị trường thanh toán toàn cầu đã trải qua ba thế hệ phát triển cùng tồn tại: Thế hệ thứ nhất là thanh toán bằng tiền mặt; Thế hệ thứ hai là thanh toán bằng thẻ và tài khoản ngân hàng; Thế hệ thứ ba là thanh toán di động; Thế hệ thứ tư mới nổi hiện nay là thanh toán ngang hàng dựa trên công nghệ blockchain.
Theo thống kê, vẫn còn 1,7 tỷ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới và đang ở thế hệ đầu tiên. Các thị trường châu Âu và Mỹ đã đạt được sự áp dụng hàng loạt trong thế hệ thứ hai, trong khi Trung Quốc và một số thị trường mới nổi đã đạt được tiến bộ lớn trong thế hệ thứ ba.
Ngày nay, các khoản thanh toán toàn cầu vẫn sử dụng mô hình tài khoản truyền thống, trong đó mỗi khoản thanh toán cần được xử lý bởi nhiều tổ chức tài chính tập trung. Điều này được cho là rất kém hiệu quả. Tuy nhiên, những người khổng lồ tập trung này độc quyền thị trường, dẫn đến nhiều vấn đề như các quy tắc không rõ ràng và các khoản thanh toán chậm, tốn kém thậm chí là thiếu tin cậy.
Vì mỗi loại tiền pháp định có hệ thống thanh toán bù trừ duy nhất, nên các ngân hàng đại lý ở các quốc gia khác nhau chỉ có thể thực hiện thanh toán quốc tế theo nhiều bước. Điển hình như đồng đô la Mỹ sử dụng hệ thống thanh toán xuyên biên giới CHIPS, đồng Euro sử dụng EURO1, đồng Yên sử dụng FXYCS và đồng Nhân dân tệ (RMB) sử dụng CIPS.
Các khoản thanh toán xuyên biên giới liên quan đến nhiều người tham gia, múi giờ, khu vực pháp lý và quy định là không hiệu quả, không rõ ràng và tốn kém. Do đó, hầu hết các khoản thanh toán quốc tế vẫn mất từ ba đến năm ngày để hoàn tất thanh toán.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay là một tập hợp các hệ thống tài chính khu vực bao gồm NHTW, ngân hàng, tiền tệ, hệ thống công nghệ, tổ chức tài chính và cơ quan quản lý. Kết quả là nó bị phân mảnh và chắp vá với nhau một cách lộn xộn, trên một nền móng cũ nhưng qua từng thời kỳ lại xây dựng chắp vá, bổ sung, thiếu thống nhất.
Đặc biệt, trong không gian thanh toán bán buôn, không có mạng lưới thanh toán toàn cầu nào thống nhất một cách hiệu quả tất cả các thành phần của hệ sinh thái. Do mối quan hệ cạnh tranh giữa các tổ chức thanh toán khác nhau và khả năng tương tác thấp giữa các mạng thanh toán, việc kết nối các mạng thanh toán của các quốc gia khác nhau càng trở nên khó khăn hơn.
Cần mạng lưới quản trị chung toàn cầu
Sự xuất hiện của công nghệ blockchain cho phép các khoản thanh toán được chuyển đổi từ mô hình dựa trên tài khoản sang mô hình mã thông báo kỹ thuật số, cho phép thanh toán ngang hàng, thanh toán tức thì. Blockchain cũng nhanh chóng đẩy nhanh quá trình số hóa tiền tệ, giúp nó có thể tái cấu trúc và kết nối hệ thống thanh toán toàn cầu để giúp giảm chi phí và thực hiện các giao dịch với tốc độ chưa từng có.
Một chuyên gia chuyển đổi số cho biết, về lý thuyết, các đồng CBDC hiện đang được phát triển và thử nghiệm bởi các quốc gia khác nhau, có thể thúc đẩy sự phát triển của các xã hội không dùng tiền mặt và nâng cao hiệu quả của thanh toán bán lẻ ở các quốc gia tương ứng.
“Tuy nhiên, chúng ta đang đi trên một con đường nguy hiểm khi CBDC của mỗi quốc gia đang áp dụng một chuỗi tư nhân độc lập và mỗi loại tiền tệ fiat tiếp tục sử dụng hệ thống thanh toán, cũng như bù trừ của riêng mình. Nếu chúng ta tiếp tục con đường này, các CBDC sẽ bị cô lập với nhau và có khả năng tương tác thấp giữa chúng, tiếp tục sự phân mảnh và kém hiệu quả của hệ thống thanh toán toàn cầu”, vị chuyên gia nhận định.
Mặc dù vậy, khả năng tương tác nhịp nhàng giữa các CBDC có thể đạt được nếu các NHTW hợp tác để xây dựng các CBDC dựa trên một mạng lưới và chuỗi quản trị chung, đồng thời bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và dữ liệu.
Thanh toán xuyên biên giới và tiền tệ chéo với chi phí thấp cũng có thể được thực hiện ở bất kỳ đâu để hiệu quả của thanh toán bán buôn và bán lẻ quốc tế ở mỗi quốc gia được cải thiện đáng kể.
Chính vì vậy, một mạng thanh toán thống nhất được hỗ trợ bởi CBDC, dựa trên cơ sở hạ tầng quản trị chung bằng cách loại bỏ sự phân tán của các NHTW và hợp tác cùng nhau để thống nhất hệ thống thanh toán toàn cầu sẽ tạo ra lợi ích cho mọi công dân trên toàn thế giới.