Hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok sáng ngày 8/3/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc khẳng định, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Sáng ngày 8/3/2024, tại trụ sở Khu Liên hợp Chính phủ ở Thủ đô Seoul, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hàn Quốc, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Choi Sang Mok.
Chào mừng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam đến làm việc tại Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Choi Sang Mok nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc là những đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hàn Quốc là quốc gia đầu tư nước ngoài trực tiếp số một tại Việt Nam tính theo lũy kế, điều này khiến Việt Nam trở thành quốc gia hợp tác kinh tế trọng điểm của Hàn Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Phó Thủ tướng Choi Sang Mok nhấn mạnh, hai nước cần tăng cường mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đầu tư căn cứ theo những thỏa thuận chiến lược mà lãnh đạo hai nước đã đưa ra, cũng như cần thúc đẩy triển khai các thỏa thuận trong các lĩnh vực mở rộng thương mại; tăng cường đầu tư; hợp tác thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng; hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và nguồn nhân lực...
Phó Thủ tướng Choi Sang Mok cho biết, phía Hàn Quốc mong muốn thúc đẩy triển khai nhanh thỏa thuận về hỗ trợ nguồn vốn thông qua Quỹ Hợp tác phát triển Kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và Quỹ Xúc tiến phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDPF) trị giá 4 tỷ USD. Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hàn Quốc có thế mạnh.
"Trong tình hình mới, quan hệ hợp tác giữa hai nước cần thúc đẩy theo hướng phát huy thế mạnh bổ sung cho nhau và đôi bên cùng có lợi. Việt Nam cần hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Choi Sang Mok nhấn mạnh.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ sự cảm ơn ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc đã dành thời gian đón tiếp, làm việc với Đoàn; đồng thời thông tin tới Phó Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc về tình hình kinh tế nói chung và công tác quản lý tài chính ngân sách nhà nước nói riêng của Việt Nam.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhìn nhận, Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12/2022. Việt Nam rất coi trọng Hàn Quốc là đối tác hợp tác chiến lược trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.
Tính lũy kế đến tháng 12/2023, Hàn Quốc đứng thứ nhất trong danh sách các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với số vốn đăng ký với gần 86 tỷ USD. Về thương mại, Hàn Quốc luôn nằm trong nhóm các đối tác có thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp ODA (khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Hàn Quốc là nhà tài trợ song phương châu Á lớn thứ 2 của Việt Nam.
Cho đến nay, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Kexim) đã ký 64 hiệp định vay với tổng giá trị tài trợ là 2,8 tỷ USD trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung vào giao thông, y tế, vệ sinh môi trường. Trong bối cảnh hai bên đã ký kết các Hiệp định khung với tổng vốn cam kết lên tới 4 tỷ USD, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan Việt Nam trong việc thúc đẩy triển khai các dự án mới sử dụng nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn EDPF.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa tăng trưởng, đặc biệt là sau khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang ưu tiên phát triển đầu tư như cao tốc, cảng biển… đặc biệt là dự án đường sắt cao tốc với số vốn dự kiến 67 tỷ USD. Theo kế hoạch, năm 2024 hoàn thành chủ trương đầu tư dự án này; năm 2027 khởi công... Vì vậy, bên cạnh thu hút vốn ODA, Việt Nam cũng thu hút các nhà thầu xây dựng.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Hàn Quốc quan tâm, hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng, hợp tác doanh nghiệp, chứng chỉ cacbon, trái phiếu xanh... đây là định hướng phát triển của Việt Nam.
"Chúng tôi mong muốn thúc đẩy lợi thế này trong đầu tư hạ tầng, thúc đẩy hợp tác ODA, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên đầu tư vào các dự án”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí... tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cam kết hội nhập.
Nhân buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trân trọng mời Phó Thủ tướng Choi Sang Mok thăm Bộ Tài chính Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời bày tỏ, có thể tổ chức chung đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Phát biểu tại Phó Thủ tướng Choi Sang Mok cũng gửi lời chúc mừng tới Đoàn công tác khi đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc ngày 7/3. Hội nghị có sự góp mặt của gần 300 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, bao gồm các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp của hai nước.