Hợp tác tài chính mang lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên ASEAN
Sáng ngày 8/4/2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đại diện Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN với các tổ chức quốc tế và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến.
Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã có phiên đối thoại với các tổ chức quốc tế gồm: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO),
Tại phiên đối thoại, lãnh đạo các tổ chức quốc tế đã chia sẻ nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực ASEAN. Trong đó, các tổ chức quốc tế nhận định, những thách thức chính sách trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng, đặc biệt là làn sóng của biến thể Omicron và tác động bất ổn chính trị ở châu Âu.
Hội nghị ghi nhận bức tranh khả quan về phục hồi của khu vực với mức tăng trưởng từ 4% năm 2021 lên dự kiến 5,2% trong năm nay. Các Bộ trưởng, Thống đốc và lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho rằng, tiến trình tiêm chủng tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, chính sách tài khóa, tiền tệ thích ứng kịp thời vẫn cần thiết nhằm phục hồi kinh tế.
Trao đổi tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc thống nhất với những nhận định của các tổ chức quốc tế, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN về những giải pháp phục hồi kinh tế. Đồng thời, Bộ trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin, làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế.
Theo Bộ trưởng, nhờ sự năng động của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, tăng trưởng quý I/2022 của Việt Nam ước đạt 5,03%, xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Đây là nền tảng quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,0-6,5% trong năm 2022.
"Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách vĩ mô một cách linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng xanh theo các mục tiêu đã đề ra, đóng góp tích cực vào sự phục hồi chung của khu vực ASEAN." - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Cũng trong sáng ngày 8/4/2022, các Bộ trưởng Tài chính đã nhóm họp Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 để cập nhật về tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các ủy ban công tác ASEAN.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc hoan nghênh kết quả hoạt động của các nhóm công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính ASEAN. Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác tài chính quan trọng như thuế, hải quan, bảo hiểm, tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng. Các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực tài chính đã góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Kế hoạch triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các nhóm công tác tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả, nghiên cứu các sáng kiến mới, các vấn đề đang nổi lên như: các vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với các rủi ro về sức khoẻ trong đại dịch; chuyển đổi số, trao đổi dữ liệu thông tin giữa các cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm... đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên cũng như cả khu vực ASEAN.
Theo chương trình, chiều nay, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 8 và sẽ có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Các Bộ trưởng và Thống đốc cũng sẽ thảo luận và thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị.