Hợp tác với Vương quốc Anh trong chuyển dịch xanh
Việt Nam chủ động mời gọi hợp tác về tài chính và công nghệ với các nước phát triển, trong đó có Vương quốc Anh trong chuyển dịch xanh.
Xu thế tất yếu
Vương quốc Anh là một trong những đối tác quan trọng trong chuyển dịch xanh, khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. WB ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050.
Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Việt Nam đã xác định chủ trương “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp”.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh nguồn lực và khoa học công nghệ trong nước, Việt Nam cũng chú trọng tới nguồn lực và khoa học công nghệ từ các nước phát triển.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26 ngày 1/11/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, “Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững”.
Cũng trong bài phát biểu này, sau khi cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi: “Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững”.
Vương quốc Anh là một trong những đại diện của Nhóm Đối tác quốc tế (IPG) hỗ trợ Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP) tại Việt Nam. Chương trình JETP giúp Việt Nam hiện thực mục tiêu đầy tham vọng Cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong ba đến năm năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. JETP của Việt Nam được xây dựng dựa trên quan hệ Đối tác G7 về Đầu tư Hạ tầng Toàn cầu (PGII) do Vương quốc Anh phát động nhằm thu hẹp khoảng trống đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Với Chương trình này, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã tuyên bố: “Mô hình JETP là nhân tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu – sử dụng tài trợ quốc tế để khơi thông hàng tỷ đô la từ nguồn tài chính của khu vực tư nhân. Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, năng động ở trung tâm Đông Nam Á. Khoản đầu tư mà chúng ta đang thực hiện ngày hôm nay sẽ giúp Việt Nam có thể cắt giảm lượng phát thải mà vẫn đồng thời tạo ra được việc làm và tăng trưởng mới. Cùng nhau, chúng ta sẽ mang đến một tương lai sạch hơn, xanh hơn cho Việt Nam và hành tinh của chúng ta”.
Hợp tác Vương quốc Anh - Việt Nam
Với tinh thần “Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất, chúng ta cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng”, Việt Nam chủ động mời gọi hợp tác về tài chính và công nghệ với các nước phát triển, trong đó có Vương quốc Anh trong chuyển dịch xanh.
Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Thư ký thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
Theo đó, thành lập các Nhóm công tác để triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Cụ thể, Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Tiếp đó, ngày 02/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thành lập Nhóm Công nghệ và Năng lượng hỗ trợ triển khai thực hiện Tuyên bố JETP. Nhiệm vụ của Nhóm Công nghệ và Năng lượng là rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách, quy định thúc đẩy thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng; Xác định nhu cầu, thúc đẩy và điều phối các hoạt động kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong triển khai thực hiện Tuyên bố JETP theo hướng dẫn của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Ngày 03/10, lãnh đạo Bộ Công Thương đã tiếp và làm việc với đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu, ông Chris Taylor - Đặc phái viên về JETP của Vương quốc Anh; ông Lain Frew - Đại sứ Anh; cùng các cán bộ, chuyên gia thuộc Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về triển khai Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và sự phối hợp giữa Ban Thư ký JETP và Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Tại buổi làm việc, Bộ Công Thương cũng đã thông tin về Kế hoạch chuyển dịch năng lượng theo Quy hoạch điện VIII đối với các mục tiêu liên quan đến JETP với các nội dung chính gồm: Phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ JETP với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%;
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Đồng thời, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn…
Trước đó, Quốc vụ khanh phụ trách An ninh năng lượng và trung hòa Carbon Vương quốc Anh Graham Stuart đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 31/7 đến ngày 3/8/2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Quốc vụ khanh Graham Stuart tiến hành gặp gỡ đại diện của Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương để thúc đẩy hợp tác về phát thải ròng bằng “0”; thăm nhà máy Điện mặt trời Mũi Né và Điện gió Mũi Né ở tỉnh Bình Thuận, do doanh nghiệp Anh đầu tư; tham dự lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Crossrail International và Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, đồng thời tham dự Lễ khởi động giai đoạn hai của Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) tại Việt Nam; gặp gỡ các đối tác quan trọng để thảo luận về các dự án đầu tư của Vương quốc Anh có thể đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng như thế nào để giúp duy trì nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 1,5°C.
Ông Graham Stuart tái khẳng định việc Vương quốc Anh sẵn sàng tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, quan hệ đối tác và thiết lập chương trình chuyển dịch năng lượng và biến đổi khí hậu cho Việt Nam. Ông cho biết thêm, Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai hành động nhanh chóng và có quy mô nhằm đạt được mức phát thải đỉnh vào năm 2035 và các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.