HoREA: Nguồn cung nhà ở TP. Hồ Chí Minh giảm mạnh 6 tháng năm 2019
Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích 2ha233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Sở Xây dựng cũng đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, giảm 82,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án tương đương với giảm 29,4%; giảm 2.336 căn, tương đương giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, giảm 2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018; căn hộ bình dân giảm 34,7%, giảm 1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018.
HoREA đánh giá, sự sụt giảm của thị trường bất động sản tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố. Theo đó, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng (giảm 16,8%); Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng (giảm 22,5%).
Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch, trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.
"Hiệp hội rất lo ngại trước tình hình sụt giảm quy mô thị trường bất động sản thành phố, sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội", HoREA cho biết và thêm rằng, hiện các doanh nghiêp bất động sản đang gặp phải nhiều rủi ro thách thức về pháp lý.
Chẳng hạn như dự án nhà ở thương mại bị ách tắc vì thủ tục hành chính. Dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Sở Quy hoạch Kiến trúc không nhận hồ sơ đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, do Luật Quy hoạch đô thị quy định "chủ đầu tư" đề xuất đồ án quy hoạch 1/500, trong lúc Luật Đầu tư quy định ghi tên "nhà đầu tư" dự án nhà ở đã được giải phóng mặt bằng.
Dự án bị chậm tính tiền sử dụng đất do quy trình, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, thường mất khoảng 1-3 năm. Hiện nay, việc áp dụng các phương pháp tính "tiền sử dụng đất cụ thể" chưa hợp lý. Kết quả tính tiền sử dụng đất dự án phổ biến chỉ bằng khoảng 75-80% chi phí giải phóng mặt bằng. Dẫn đến việc chủ đầu tư dự án nhà ở gần như phải "mua lại" quyền sử dụng đất lần thứ hai, do mức khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng quá thấp so với chi phí thực tế đã bỏ ra.
Bên cạnh đó, hiện TP. Hồ Chí Minh vẫn còn hơn 30 dự án trong diện tiếp tục rà soát.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận và thụ lý, giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do "nhà đầu tư" dự án đề xuất, sau khi đã có Quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân thành phố, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các thủ tục về quyền sử dụng đất dự án.
Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài chính sớm xây dựng các nguyên tắc về tiêu chí thẩm định giá đất đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở thương mại, đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý và không làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Tài nguyên Môi trường hoàn thiện lại quy trình, thủ tục hành chính về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, nhằm rút ngắn thời gian so với hiện nay, và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.