HSBC: Dệt may, điện thoại sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng 11%/năm giai đoạn 2014-2020
(Tài chính) Ngân hàng HSBC ngày 17/9 đã công bố báo cáo định kỳ “Triển vọng kết nối giao thương của Việt Nam”, trong đó nhận định xuất khẩu dệt may và thiết bị thông tin viễn thông sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trên 11%/năm trong giai đoạn 2014-2020.
Trong báo cáo, HSBC cho biết Chỉ số tin cậy thương mại (TCI) nửa đầu năm 2014 của Việt Nam đạt 120 điểm – mức điểm cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi – cho thấy triển vọng thương mại của Việt Nam khá tích cực.
Xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục có sự đóng góp lớn nhất cho tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và ngành này cũng đang trên đà phát triển.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 17% trong năm 2013, với lượng hàng từ hai lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất này tăng trưởng 25%. Nhờ xuất khẩu mạnh nên Việt Nam đã duy trì được trạng thái xuất siêu kể từ năm 2012 và điều này cũng góp phần ổn định đồng nội tệ.
Dựa vào lợi thế địa lý tại trung tâm Châu Á, và với các hiệp định thương mại đã và sắp ký kết, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và phát triển thương mại, chủ yếu với các thị trường mới nổi khác trong khu vực.
Dệt may là tâm điểm của thương mại
Báo cáo chi tiết của HSBC cho thấy ngành sản xuất hàng dệt may Việt Nam có vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế do chi phí nhân công thấp tạo tính cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi tại trung tâm Châu Á.
Phần lớn người Việt Nam đang dần nâng cao kiến thức, cùng với cơ sở hạ tầng tốt đã hỗ trợ cho tăng trưởng các ngành có chi phí sản xuất thấp như dệt may.
Thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam đang từng bước chuyển sang phương Đông. Xuất khẩu hàng dệt may sang Trung Quốc chiếm 6% trong tổng sản lượng của ngành trong năm 2013, trong khi xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực, không tính Nhật, chiếm 12% trong tổng sản lượng.
HSBC nhận định thị phần xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 do nhu cầu đối với hàng tiêu dùng tăng khi tầng lớp trung lưu tăng lên.
Thị phần xuất khẩu dệt may sang Mỹ dự kiến sẽ giảm từ mức khoảng 50% của 2013 xuống gần 40% vào 2020.
Tuy chỉ là thị trường tương đối nhỏ so với các thị trường Châu Á và phương Tây, nhưng Trung Đông đang là thị trưởng tăng trưởng nhanh chóng đối với hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Hoạt động thương mại dự kiến tích cực hơn
Theo khảo sát của HSBC, gần một nửa số doanh nghiệp tham gia khảo sát kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ tích cực hơn trong 6 tháng tới, với 1/3 trong số đó cho biết lý do là do lực cầu từ các thị trường chính tăng.
Xuất siêu từ năm 2012 giúp cho đồng VND ổn định, nhưng nhu cầu nhập khẩu cao sẽ khiến mức xuất siêu giảm trong những năm tới. Khảo sát cho thấy 22% số doanh nghiệp được hỏi vẫn lo ngại về các biến động tỷ giá.
Chỉ số tin cậy thương mại (TCI) đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm rưỡi, nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 132 điểm của nửa cuối năm 2010.
Có 54% doanh nghiệp nhận định các rào cản tăng trưởng kinh tế là giá cả dịch vụ hậu cần, vận chuyển và kho bãi cao.
Nhiều điều kiện thuận lợi cho giao thương
Khảo sát của HSBC cho thấy Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn thị trường và các yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng thương mại của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam nằm ở trung tâm châu Á, giữa các nước láng giềng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước Đông Nam Á khác. Thứ hai là triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam đã có nhiều cải thiện, lạm phát dưới mức 5% trong năm, trạng thái xuất siêu duy trì gần đây và tiền tệ ổn định. Thứ ba là các hiệp định thương mại trong khu vực thúc đẩy thương mại nội vùng Châu Á phát triển hơn trong những năm gần đây.
Có đến 3/4 các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết các đối tác thương mại chính của họ nằm ở Châu Á - khu vực thương mại năng động nhất trên thế giới.
Các hiệp định thương mại trong những năm gần đây đã thắt chặt quan hệ hợp tác thương mại trong khu vực, và gần 3/4 các doanh nghiệp cho biết các hiệp định thương mại đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế.
Theo khảo sát, gần 20% doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy Châu Âu là thị trường có nhiều tiềm năng nhất trong 6 tháng tới, còn 8% cho rằng Bắc Mỹ sẽ mang lại nhiều hứa hẹn nhất.
Không tới 50% doanh nghiệp giao dịch bằng đồng VND, trong khi hơn 95% doanh nghiệp trong khảo sát đang sử dụng đồng USD cho các thanh toán.
Hơn 50% doanh nghiệp cho biết giá cả các dịch vụ thiết yếu cao nên kho vận, giao hàng, kho bãi là những rào cản chính đối với tăng trưởng xuất-nhập khẩu. Trong khi đó, 1/3 các doanh nghiệp cho rằng tăng lãi suất là nguyên nhân lớn nhất gây cản trở tăng trưởng. Chưa đến 1/4 các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường yếu là nguyên chính, trong khi tỷ lệ này là 50% vào 6 tháng trước.