HSBC giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

PV.

Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016, trong đó, HSBC đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 6,3% xuống còn 6,2% trong năm 2016 và từ 6,6% xuống 6,5% cho năm 2017.

HSBC đã cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 6,3% xuống còn 6,2% trong năm 2016.
HSBC đã cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 6,3% xuống còn 6,2% trong năm 2016.

Báo cáo đánh giá, Chính phủ Việt Nam cũng đang từng bước thực hiện những cải cách cần thiết để đưa tăng trưởng đi theo hướng bền vững hơn. Trong thời điểm hiện tại, việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa khá bị giới hạn. Chính vì vậy, HSBC đã cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức 6,3% xuống còn 6,2% trong năm nay và  từ 6,6% xuống 6,5% cho năm 2017. 

Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự tăng tốc trong quý III vừa qua. Trong đó, sản xuất và xuất khẩu vẫn là hai điểm sáng của nền kinh tế với chỉ số PMI thể hiện mức độ cải thiện thêm của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu tháng 9 tăng 9% so với cùng kỳ, vượt xa các nước láng giềng trong khu vực.

HSBC cho rằng, điểm nhấn nổi bật của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua phải kể đến kết quả thu hút vốn FDI, 9 tháng đầu năm, FDI đổ vào Việt Nam khoảng 11 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số các nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay và kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục đưa xuất khẩu tăng mạnh hơn nữa.

Đồng thời, HSBC khẳng định, Việt Nam vẫn duy trì năng lực cạnh tranh cao, đặc biệt là đối với hàng dệt may và sản xuất điện tử và sẽ còn giành thêm thị nhiều phần toàn cầu ngay cả khi thương mại toàn cầu vẫn còn mờ nhạt.

Tuy nhiên, HSBC cũng nêu bật những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam đó là các khoản nợ xấu kéo dài, những nguy cơ khiến áp lực lạm phát tăng và tốc độ thoái vốn công chậm hơn so với kế hoạch.

Ngoài ra, việc Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn Hiệp định TPP cũng đang đặt ra một thách thức khác khi Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.