HSBC: Thu nhập quốc dân Việt Nam tăng 10% khi vào TPP

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Báo cáo của HSBC cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may, quần áo và giày dép sẽ hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP.

 HSBC: Thu nhập quốc dân Việt Nam tăng 10% khi vào TPP
Kim ngạch xuất khẩu dệt may, quần áo và giày dép sẽ hưởng lợi lớn nhất khi Việt Nam chính thức gia nhập TPP. Nguồn: internet

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô có tiêu đề “Sản xuất tại Việt Nam: Phá vỡ những rào cản để giao thương” mới được ngân hàng HSBC công bố, cơ quan này đánh giá nếu Việt Nam hoàn tất đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), kim ngạch xuất khẩu dệt may, quần áo và giày dép sẽ gia tăng đáng kể (tăng lần lượt 13% và 52% đến năm 2025).

Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế xuất khẩu tương đối cao, từ mức 4,5% đến 14% cho hàng may mặc và 10,4% cho hàng giày dép. Nhưng khi đạt được thỏa thuận TPP, thuế nhập khẩu của Mỹ với các sản phẩm của Việt Nam sẽ giảm. Từ đó, các chuyên gia của HSBC dự báo đạt được thỏa thuận TPP có thể giúp thu nhập quốc dân của Việt Nam (GNI), bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cộng với thu nhập nhận được từ nước ngoài tăng thêm 2% vào năm 2015 và tăng khoảng 10% đến năm 2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với 90% các sản phẩm của Việt Nam xuất đi các nước bằng đường biển, một trong những vấn đề Việt Nam cần cải thiện chính là hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hải quan. Nhiều nhà xuất khẩu vẫn còn phàn nàn về thủ tục quản lý dịch vụ logistics (kho vận) và hải quan của Việt Nam còn phức tạp, tốn cả về thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, trong số 5 cơ quan của Việt Nam bị phản ánh tham nhũng lớn nhất theo ghi nhận của lĩnh vực tư nhân thì 4 cơ quan có dính dáng đến thương mại.

Song, HSBC cũng lạc quan khi thời gian tới dịch vụ logistics dự kiến sẽ được cải thiện với việc các nhà vận chuyển toàn cầu được phép hoạt động tự do hơn. Các trung tâm logistics lớn ở Hải Phòng, Cái Mép cũng có thể cung cấp dịch vụ nhanh hơn với giá rẻ đi. Tổng cục Hải Quan cũng đang nỗ lực để hiện đại hoá hệ thống, mục tiêu là Hải quan ở Việt Nam phải ít nhất bằng mức trung bình của các nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Ngoài ra, mạng lưới đường cao tốc phục vụ cho quá trình vận chuyển từ cảng đến các nhà máy hoặc ngược lại cũng được cải thiện. Chẳng hạn đường cao tốc từ TP HCM đi Trung Lương mới (62 km) được mở vào năm 2012 đã cắt bớt thời gian di chuyển 40 phút. Tuyến đường Quốc lộ 1A cũng đang được nâng cấp. Các đường hành lang biên giới cũng đang được cải tạo, đặc biệt là những tuyến đường đi Trung Quốc, Lào và Campuchia...

Những trường hợp trên cho thấy Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động thương mại dễ dàng hơn, HSBC nhận xét. "Chúng tôi tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ ngày càng thực thi vai trò tạo điều kiện thuận lợi. Những biện pháp chính sách gần đây cho thấy có nhiều cải tổ có mục tiêu hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu không chỉ nhờ vào sản lượng mà là chú trọng đến giá trị", báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển xuất khẩu, tổ chức này cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ tạo môi trường tự do hơn trong nhiều lĩnh vực đầu tư, chẳng hạn như năng lượng bởi hiện nay giá điện của Việt Nam chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế. "Rõ ràng Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng", HSBC nhận định. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những đơn vị sản xuất năng suất sẽ giúp các công ty đạt được lợi nhuận từ xuất khẩu.

Việt Nam tuyên bố tham gia TPP với tư cách thành viên đầy đủ từ tháng 11/2010. Vòng đàm phán mới nhất sẽ diễn ra sau khi Nhật Bản và Mỹ - hai nền kinh tế lớn nhất trong hiệp định TPP có các cuộc đối thoại với nhau, đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết những vấn đề song phương. Theo lãnh đạo của Bộ Công Thương, Việt Nam đang kỳ vọng kết thúc quá trình đàm phán trong năm nay.