Huawei sau những lệnh cấm – “Thành tựu của người Hoa” sẽ thế nào?
Những lệnh cấm liên tiếp trong gần hai năm qua từ Mỹ và các nước phương Tây đã đẩy Huawei vào tình thế khó khăn, có thể sẽ phải tìm lối thoát trong mảng hạ tầng mạng 5G.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí đầu tháng 4/2019, lãnh đạo của Huawei Việt Nam thể hiện quyết tâm tăng trưởng mạnh mẽ công ty bất chấp những cáo buộc về chuyện thiết bị mạng của họ tồn tại “lổ hổng bảo mật”. Sự tự tin đó cũng được cho là có cơ sở, vì sau hơn 20 năm thâm nhập và kinh doanh, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, tương đối dễ nắm bắt đối với công ty này.
Trước bão lớn, lòng tin là không đủ
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện toàn cầu, tính tới thời điểm cuộc gặp ấy, tình hình kinh doanh của công ty có tên gọi theo âm Hán Việt là Hoa Vĩ (tạm dịch: thành tựu vĩ đại của người Hoa) cho thấy tác động xấu của những lệnh cấm từ phương Tây.
Mảng kinh doanh thiết bị hạ tầng mạng viễn thông với các nhà mạng, vốn chiếm đến hơn 40% tổng doanh thu 108,5 tỉ đô la năm 2018, đã sụt giảm 1,3% sau một năm. Động lực của Huawei dường như phải trông cả vào mảng điện tử tiêu dùng (chiếm 48.4% tổng doanh thu 2018), tăng trưởng với con số vô cùng khả quan, 45%, so với năm 2017. Tại Việt Nam, doanh thu từ smartphone của Huawei cũng rất triển vọng, đã tăng gấp đôi chỉ trong một năm.
Đùng một cái, chính phủ Mỹ liệt Huawei vào “Entity List” (tạm dịch: Danh sách đen về thương mại), như một cách trừng phạt lên phía Trung Quốc sau khi thương thảo mậu dịch giữa đôi bên thất bại. Mọi thứ vốn đang xấu sẵn, giờ đã trở nên tệ hại với Huawei. Các điện thoại mang thương hiệu Huawei và thương hiệu con Honor, sau khi thời gian ân hạn 3 tháng kết thúc vào ngày 19/08/2019, sẽ:
- Không được cung cấp, sử dụng hay tiếp cận các dịch vụ của Google trên nền tảng hệ điều hành mở Android OS (bao gồm trình tìm kiếm, trình duyệt Chrome, trình duyệt thư Gmail, chợ ứng dụng Play Store và YouTube)
- Không thể mua bộ vi xử lý (chip) từ những nhà sản xuất có trụ sở ở Mỹ như Qualcomm hay hoặc sử dụng công nghệ Mỹ như ARM (Anh).
Các máy tính bảng và laptop của Huawei có hợp tác với các tập đoàn Mỹ như Intel và Microsoft cũng sẽ chịu chung số phận trên. Chỉ duy nhất dòng đồng hồ thông minh mới, với hệ điều hành riêng LightOS do chính họ xây dựng, là không bị ảnh hưởng nhiều.
Mùa đông đến sớm và lạnh giá
Các nhà bán lẻ cũng như người tiêu dùng trên thế giới cũng như Việt Nam không khỏi cảm thấy lo lắng. Nhiều nơi đã ngưng đặt hàng điện thoại từ Huawei, một số doanh nghiệp còn hủy đơn hàng đã đặt và quyết định đợi động thái mới từ công ty và phía Mỹ. Đã có những báo cáo về sự tụt giảm doanh số nhanh chóng và đồng loạt từ thị trường một số nước như Singapore và Úc.
Trong động thái trả đũa lại trừng phạt của Mỹ lên các hãng công nghệ như Huawei và ZTE, Trung Quốc đã cho cấm chiếu tập cuối cùng của loạt phim truyền hình Game of Thrones (Trò chơi vương quyền). Lệnh cấm có thể gây thất thu không nhỏ cho nhà đài HBO (Mỹ), đơn vị sản xuất chương trình. Nhưng câu sấm truyền nổi tiếng của loạt phim: “Winter is coming” – Mùa đông sẽ đến, có vẻ như đang ứng nghiệm lên “ông lớn” công nghệ phía Trung Quốc nhiều hơn.
Trong thông cáo báo chí mới nhất, Huawei phủ nhận họ đang “rét lạnh” trước “đòn thù” của phía Mỹ. Huawei tuyên bố sẽ “tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái phần mềm an toàn và bền vững” cho sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng của họ.
Nhưng, như trang tin công nghệ Tom’s Guide nhận định, Huawei cần phải nhanh chóng chứng minh được ít nhất một trong hai việc: Một là, hệ điều hành mới, Hongmeng OS, sẽ… “xài” được; Hai là, chính phủ TQ có thể hòa giải được với phía Mỹ về trường hợp của công ty này. Cả hai việc đều không dễ chút nào và cũng không ít người chẳng mấy mong đợi gì ở Hongmeng OS nếu quả thực họ không thể sử dụng những dịch vụ cơ bản từ Google trên hệ điều hành mới toanh này.
Thương binh có thể phải… ra trận
Trong lúc tráng sĩ tiên phong là mảng điện tử tiêu dùng bỗng trúng pháo kích và có lẽ đã lành ít dữ nhiều, mảng thiết bị hạ tầng mạng viễn thông của Huawei tới đây có lẽ phải lãnh ấn ra trận. Uy tín bị đặt dấu hỏi và tình hình kinh doanh chịu tai họa, đã đến lúc hãng phải cho thấy vị thế của mình trong mảng viễn thông thế hệ 5 (5G). Huawei đang đứng đầu thế giới về doanh số bán hàng ở mảng thiết bị hạ tầng viễn thông trong khi công nghệ 5G của hãng ganh đua cùng với những tên tuổi lớn như Nokia và Ericsson AB. Huawei Việt Nam cho rằng tập đoàn chủ quản sở hữu công nghệ 5G với độ thuần thục về kỹ thuật vượt trước các đối thủ chính từ 12 cho đến 18 tháng.
Tuy vậy, từ khi anh lính 5G… tập tễnh vì “dính” hàng loạt lệnh cấm của phương Tây, tập đoàn Huawei đã phải nỗ lực đi thuyết phục đối tác viễn thông trên khắp phần còn lại của thế giới. Trong một năm, Huawei ký mới 34 hợp đồng hạ tầng mạng 5G. Điều quan trọng là sau cú ngã của điện tử tiêu dùng, liệu các đối tác đã ký có… bày tỏ quan ngại và tuyên bố xem xét lại sản phẩm của hãng, như đã từng xảy ra hay không?
Trong bối cảnh đó, hạ tầng mạng 5G Việt Nam càng là thị trường trọng yếu mà Huawei cần phải có phần. Trong cuộc gặp mặt truyền thông hơn một tháng trước, CEO Huawei Việt Nam, ông Phạm Quân, khẳng định mình “không tự tin thái quá” khi tin tưởng vào thành công của công ty ở thị trường Việt Nam. Thời gian thử nghiệm 5G ở Hà Nội và TPHCM đã gần kề, hầu hết các nhà mạng lớn đều tuyên bố chưa có hợp tác với Huawei.
Người ta đang chờ đợi để xem, liệu kinh nghiệm hơn 20 năm hợp tác và cung cấp hạ tầng mạng ở Việt Nam có thể giúp công ty giành được hợp đồng họ mong đợi, giữa bão tố từ bên kia bờ Thái Bình Dương hay không.