Hướng dẫn bồi thường "lỗi" của Nhà nước trong quản lý hành chính
Liên Bộ Tư pháp - Tài chính - Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.
Theo Thông tư, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các căn cứ: Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; có thiệt hại thực tế xảy ra; có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật gồm: Quyết định thu hồi, hủy bỏ, thay thế, sửa đổi quyết định hành chính do quyết định đó được ban hành trái pháp luật; Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại; Kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố cáo; Kết luận thanh tra giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thanh tra; Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật...
Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại đó.
Nếu người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại, Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại gây ra.
Về trách nhiệm bồi thường, Thông tư quy định: Nếu người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là người do các cơ quan có tư cách pháp nhân trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh không đúng quy định của pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường được xác định theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thông tư cũng quy định cụ thể việc xác định thiệt hại bồi thường của thiệt hại thực tế; thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe.
Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo. Nếu hợp lệ và đúng thẩm quyền, trong 5 ngày làm việc, cơ quan phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường.
Thông tư liên tịch này có từ 28/1/2016; thay thế Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BTP-BTC-TTCP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19.