Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực dự trữ nhà nước năm 2021

PV.

Trong năm 2021, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực dự trữ nhà nước sẽ tập trung vào công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ tại các bộ, ngành được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia có số lượng tồn kho và kế hoạch nhập, xuất lớn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 22/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 12997/BTC-TTr hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021.

Văn bản số 12997/BTC-TTr của Bộ Tài chính nêu rõ, căn cứ Luật Thanh tra năm 2010; Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính; Công văn số 1792/TTCP-KHTH ngày 19/10/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021.

Trong đó, việc thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 đối với lĩnh vực dự trữ nhà nước sẽ tập trung vào công tác quản lý, sử dụng kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ tại các bộ, ngành được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia có số lượng tồn kho và kế hoạch nhập, xuất lớn.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý đầu tư, công trình cải tạo, sửa chữa hoàn thành năm 2020 và công tác quản lý hoạt động công nghệ thông tin tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Ngoài hướng dẫn Tổng cục Dự trữ Nhà nước xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021, Văn bản số 12997/BTC-TTr cũng hướng dẫn các cơ quan có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính như: Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Thanh tra các Sở Tài chính.