Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá

Trang Trần

(Tài chính) Ngày 7/3, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.

Hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 31/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP. Nguồn: internet
Theo đó, Thông tư hướng dẫn, báo cáo phục vụ công tác bình ổn giá là các báo cáo phải nộp theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để phục vụ công tác bình ổn giá về: kết quả sản xuất, kinh doanh; số lượng, khối lượng hàng hóa tồn kho, hàng hóa hiện có; các yếu tố hình thành giá; giá bán hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; tình hình trích lập, sử dụng, số dư quỹ bình ổn giá; các thông tin, tài liệu khác phục vụ công tác bình ổn giá.

Đồng thời, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về tiền chênh lệch, đó là số tiền mà tổ chức, cá nhân có được do bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định; tiền chênh lệch được tính bằng chênh lệch giá do bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá cụ thể hoặc mức giá tối đa hoặc mức giá tối đa của khung giá đã được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định được tính cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ nhân (x) với số lượng hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân đã bán, cung ứng.

Về hành vi vi phạm về lập phương án giá, Thông tư nêu rõ: hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan có thẩm quyền ban hành là hành vi lập phương án giá không áp dụng hoặc áp dụng không đúng các căn cứ, nguyên tắc định giá; sử dụng không đúng, không đủ các số liệu, định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng các mức giá; không tính toán đúng các khoản mục chi phí, yếu tố hình thành giá theo quy định; phân bổ chi phí không theo hướng dẫn hiện hành (nếu có) đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; sử dụng các mức giá hàng hóa, dịch vụ tương tự để so sánh mà không bảo đảm các yếu tố so sánh theo quy định của phương pháp so sánh.

Bên cạnh đó, hành vi tăng giá bất hợp lý được Thông tư hướng dẫn là hành vi tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai; Tự ý tăng giá theo giá đã đăng ký hoặc kê khai với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và yêu cầu đăng ký lại, kê khai lại mức giá theo quy định của pháp luật.

Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể cách nhận biết về các hành vi vi phạm khác về giá như: Hành vi vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa, dịch vụ; Hành vi vi phạm quy định đối với doanh nghiệp thẩm định giá; Hành vi vi phạm quy định đối với thẩm định viên về giá; Hành vi vi phạm quy định đối với người có tài sản thẩm định giá và người sử dụng kết quả thẩm định giá; Hành vi vi phạm đối với tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá.

Thông tư nêu rõ, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá có thẩm quyền phạt tiền đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức, 105.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm thực hiện thông tư thuộc về: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giá, Chánh Thanh tra Sở Tài chính, Thanh tra viên, Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ và các chức danh tương đương, người có thẩm quyền của cơ quan quản lý thị trường quy định tại Điều 45 Luật Xử lý vi phạm hành chính chịu trách nhiệm tổ chức và triển khai thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư này đã cụ thể hóa một số hành vi vi phạm vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá được nêu trong Nghị định 109/2013/NĐ-CP và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/4/2014, thay thế Thông tư số 78/2012/TT-BTC ngày 18/5/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.