Hướng đến Kho bạc số vào năm 2030
Công tác hiện đại hoá Kho bạc Nhà nước (KBNN) thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. KBNN đặt mục tiêu đến năm 2025, Kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Điểm nhấn trong hiện đại hoá Kho bạc Nhà nước
Kể từ năm 2012, sau khi hoàn thành dự án Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) đến nay, KBNN tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) liên quan, cơ bản hình thành Kho bạc điện tử và tiến tới hình thành Kho bạc số. Theo báo cáo của KBNN, công tác hiện đại hoá KBNN thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó KBNN đã vận hành thông suốt hệ thống CNTT cốt lõi phục vụ 4 chức năng của Kho bạc và cung cấp dịch vụ điện tử cho đơn vị giao dịch, cụ thể:
Thứ nhất, về quản lý Quỹ Ngân sách nhà nước (NSNN): Hiện nay, KBNN đang duy trì các hệ thống CNTT sau: Hệ thống TABMIS (giúp kiểm soát chi NSNN theo dự toán, tồn quỹ NSNN, cam kết chi NSNN); Hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN-ĐTKB (giúp kiểm soát chi dự án đầu tư công theo kế hoạch trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, tổng mức đầu tư dự án, theo hạng mục, hợp đồng (tiết mục), cam kết chi đầu tư);
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tiếp nhận hồ sơ và chứng từ chi điện tử từ đơn vị sử dụng ngân sách theo phương thức trực tuyến, đạt 100% số đơn vị (trừ khối an ninh quốc phòng), đạt 99,5% chứng từ chi NSNN qua kênh điện tử; Hệ thống thanh toán điện tử (TTĐT) tập trung gồm TTĐT song phương với ngân hàng thương mại (NHTM), TTĐT liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước, góp phần nâng cao khả năng quản lý quỹ của KBNN.
KBNN cũng đang thực hiện liên thông giữa các hệ thống DVCTT, TABMIS, ĐTKB, TTĐT tập trung, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động của đội ngũ công chức KBNN.
KBNN cũng đang thực hiện liên thông giữa các hệ thống DVCTT, TABMIS, ĐTKB, TTĐT tập trung, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động của đội ngũ công chức KBNN. Thí điểm liên thông hệ thống kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) với hệ thống DVCTT trên địa bàn Hà Nội và dự kiến mở rộng từ quý IV/2021 theo quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ KBNN tại Thông tư số 87/2021/TT-BTC ngày 8/10/2021 của Bộ Tài chính.
Sau khi hoàn thành, KBNN sẽ hình thành hệ thống thông suốt kết nối từ các ứng dụng kế toán tài chính của đơn vị sử dụng ngân sách đi qua hệ thống kiểm soát chi NSNN và kế toán NSNN của KBNN, đến khi thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng.
Đối với công tác thu NSNN, Hệ thống kết nối thu NSNN giữa KBNN với các NHTM đã giúp tập trung trên 99% giao dịch thu NSNN. Hiện KBNN đang triển khai ứng dụng mobile tra cứu số dư tài khoản cung cấp cho đơn vị sử dụng ngân sách; tiện ích tra cứu dữ liệu phục vụ công tác thanh tra KBNN; chuẩn bị xây dựng và triển khai cổng trao đổi dữ liệu với nhà cung cấp điện, nước, viễn thông nhằm cải cách thủ tục hành chính, tiến tới chủ động thanh toán chi phí dịch vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Thứ hai, về công tác lập báo cáo tài chính (BCTC) nhà nước: KBNN đã xây dựng Hệ thống Tổng kế toán cho phép tiếp nhận báo cáo thông tin tài chính nhà nước từ các đơn vị liên quan và tổng hợp, lập BCTC địa phương, BCTC toàn quốc.
Thứ ba, về công tác quản lý ngân quỹ (QLNQ): Hệ thống TTĐT với các NHTM và mạng thanh toán liên ngân hàng đã giúp hình thành hệ thống tài khoản kho bạc duy nhất, dần tiệm cận với thông lệ quốc tế. Hệ thống QLNQ đã điện tử hoá công tác dự báo luồng tiền, sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, quản lý rủi ro góp phần QLNQ nhà nước tập trung, thống nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Thứ tư, về công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP): Hệ thống TPCP đã quản lý, theo dõi đầy đủ, chi tiết và có hệ thống các thông tin về TPCP được phát hành tại KBNN Trung ương từ lúc phát hành đến khi đáo hạn; cung cấp thông tin phục vụ thống kê phân tích, dự báo; cung cấp thông tin báo cáo nhằm phục vụ chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo.
Lộ trình đặt ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
KBNN đặt mục tiêu đến năm 2025, Kho bạc vận hành dựa trên dữ liệu số; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số. Với mục tiêu trên, thời gian qua, cùng với quá trình xây dựng chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030, KBNN phối hợp với Cục Tin học Thống kê Tài chính xây dựng bản kiến trúc tổng thể CNTT của KBNN để hình thành Kho bạc số vào năm 2030, hình thành Kho bạc dựa trên nền tảng dữ liệu số vào năm 2025. Bản kiến trúc tổng thể này đã được ban hành tại Quyết định số 2739/QĐ-KBNN ngày 4/6/2021.
Theo đó, KBNN đặt ra lộ trình đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 như sau:
Một là, chuyển đổi có lộ trình và bước đi phù hợp từ hệ thống TABMIS và các hệ thống CNTT hiện tại để hình thành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số với các đặc điểm sau:
(i) Liên thông dữ liệu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan như: Liên thông hợp đồng điện tử với Hệ thống đấu thầu quốc gia mới; Liên thông kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn Đầu tư công hàng năm với Hệ thống đầu tư công mới trên cơ sở Luật ĐTC năm 2019 và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP; Liên thông với cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế; Liên thông dữ liệu chi NSNN với hệ thống kế toán HCSN; Liên thông dữ liệu tài chính nhà nước với các đơn vị thuộc hệ thống kế toán nhà nước; Liên thông dữ liệu quyết toán ngân sách với các đơn vị liên quan…
(ii) Mở rộng và tăng cường dịch vụ cung cấp trên nền tảng số của KBNN: Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ từ nền tảng điện tử lên nền tảng số; đồng thời, phát triển các dịch vụ mới để có đầy đủ thông tin về các khoản thu khi đi qua các kênh ngân hàng, trung gian thanh toán, cổng quốc gia, hệ thống quản lý của các cơ quan quản lý thuế, phí, lệ phí…
Hai là, xây dựng hệ thống CNTT cho phép chuyển đổi mô hình tài khoản KBNN duy nhất từ nhiều tài khoản con ở các chi nhánh NHTM trên toàn quốc thành tài khoản thanh toán tập trung tại hội sở chính của các NHTM để tăng cường hơn nữa tính hiệu quả và an toàn của ngân quỹ.
Ba là, từng bước xây dựng phân hệ giám sát hoạt động Quỹ NSNN, ngân quỹ nhà nước và các hoạt động của KBNN trên nền tảng số.
Bốn là, khai thác và phân tích dữ liệu số trên cơ sở nền tảng dữ liệu lớn, công cụ phân tích hiện phục vụ các quyết định điều hành.
Năm là, ứng dụng các công nghệ số tiên tiến, với kiến trúc kỹ thuật hiện đại, mô hình triển khai cuốn chiếu theo các dịch vụ cung cấp để đạt kết quả sớm nhất.
(*) Nguyễn Thị Thu Hà.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 11/2021.