Kho bạc Nhà nước tiếp tục hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới “Kho bạc số”
Hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và hình thành Chính phủ số, Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021– 2030, trong đó, xác định chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của cả quá trình thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030.
Lấy công nghệ thông tin làm nền tảng xuyên suốt
Xác định hiện đại hóa nghiệp vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để chủ động hội nhập và phát triển ngành Tài chính nói chung, thời gian qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng nền móng xuyên suốt của lộ trình phát triển trên các nền tảng ứng dụng nghiệp vụ chuyên môn vệ tinh xung quanh Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, đáp ứng các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc của hệ thống Chính phủ điện tử như: Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; điện tử song phương; liên kho bạc và bù trừ điện tử, dịch vụ công trực tuyến và tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Việc kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu trên nền tảng điện tử trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước đã được Kho bạc Nhà nước thực hiện thông qua hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại: Thiết bị chấp nhận thẻ POS Bank; qua hệ thống ATM, internet banking; Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, hải quan; liên kết trao đổi dữ liệu với các cơ quan trong công tác thu, nộp ngân sách nhà nước … Các chương trình ứng dụng này đã góp phần giảm thời gian thực hiện, giao dịch thu, nộp ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước đã xây dựng và triển khai hệ thống kho dữ liệu của Kho bạc Nhà nước nhằm cung cấp nhanh các báo cáo phục vụ điều hành của Kho bạc Nhà nước và cung cấp dữ liệu cho kho dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính.
Hệ thống tổng kế toán nhà nước cũng được Kho bạc Nhà nước triển khai và đưa vào vận hành từ tháng 6/2019 để tổng hợp báo cáo tài chính nhà nước từng địa phương và toàn quốc.
Chuyển đổi số - giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện Chiến lược
Hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử và hình thành Chính phủ số, hiện nay Kho bạc Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021– 2030, công nghệ thông tin sẽ là khâu đột phá, cải cách cơ chế, quy trình nghiệp vụ là nền tảng, trong đó, xác định chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện Chiến lược.
Nhằm thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi, hướng tới “Kho bạc số”, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo toàn hệ thống tập trung các giải pháp đổi mới, hiện đại đơn vị ngành, triển khai nhiệm vụ chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa (tiêu chuẩn ISO), cơ chế một cửa nhận, trả kết kết quả hồ sơ thông qua các giao dịch điện tử trực tuyến.
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020; Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2020, Kho bạc Nhà nước đã triển khai thành công việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước trên Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn), đáp ứng 04 thủ tục hành chính có tần suất giao dịch với khối lượng lớn gồm: (1) Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước ; (2) Thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua Kho bạc Nhà nước; (3) Thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước ; (4) Thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp. Như vậy với 04 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước kể trên, Kho bạc Nhà nước đa dạng hóa hơn nữa các phương thức giao dịch trực tuyến điện tử phục vụ nhân dân và các đươn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của nền kinh tế xã hội và để thiết lập được một nền tảng tài chính số hiện đại hoạt động an toàn, hiệu quả đang đặt ra nhiều thách thức cho Ngành tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng. Việc chuyển đổi số không chỉ tạo điều kiện cho Kho bạc Nhà nước tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ kỹ thuật số hiện đại mà còn có tác động tích cực làm thay đổi cách thức tương tác giao dịch giữa các đơn vị sử dụng ngân sách với Kho bạc Nhà nước, giữa Kho bạc Nhà nước với các cơ quan, đơn vị một cách tức thời với tính tin cậy cao thông qua các phương thức mã hóa, xác thực mạnh.