Hướng đến xây dựng thương hiệu sầu riêng Tân Phú
Những năm gần đây, xã Tân Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp, với các loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, đang dần tạo nên thương hiệu riêng Tân Phú, Bến Tre.
Sầu riêng là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Tân Phú. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, người dân địa phương đã không ngừng nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ mô hình trồng sầu riêng.
Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú có khoảng 23ha trồng sầu riêng, với 50 thành viên tham gia (trong đó có 41 thành viên do phụ nữ làm chủ). Theo ước tính, 1 năm, tổ hợp tác sầu riêng cung cấp cho thị trường từ 1,5 - 2 tấn/1.000m2 đất canh tác.
Với giá bán 40 - 50 ngàn đồng/kg, trung bình 1 năm, các nông hộ mang về lợi nhuận khoảng 75 triệu đồng/1.000m2 đất. Trong xu thế chung của thị trường hiện nay, đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Vì thế, xây dựng thương hiệu cho nông sản là yếu tố sống còn đối với phát triển nông nghiệp.
Cô Cao Thị Chiên - Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng ấp Hàm Luông, xã Tân Phú cho biết: “Hiện nay, sầu riêng được xem là cây chủ lực của bà con nông dân. Sau hạn mặn, tất cả các thành viên trong tổ nỗ lực chăm sóc để phục hồi vườn cây; một số cây bị chết, bà con trồng xen cây trồng khác để lấy ngắn nuôi dài.
Sầu riêng của tổ hợp tác hiện nay cung không đủ cầu. Hướng tới, bên cạnh khôi phục lại vườn cây, chúng tôi không ngừng học hỏi từ các ngành chuyên môn, nhà khoa học, sản xuất sầu riêng đúng quy trình, đưa trái sầu riêng đạt chuẩn nhất, ngon nhất”.
Toàn xã Tân Phú hiện có 819,55ha trồng sầu riêng, chiếm khoảng 50% diện tích cây ăn trái. Những năm qua, các nông hộ tại địa phương tận dụng các vườn cây ăn trái tại nhà để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái theo mùa vụ.
Với việc nỗ lực khôi phục lại vườn cây ăn trái đặc sản, từ năm 2020 đến nay, UBND xã Tân Phú đã đầu tư, nâng cấp 4 cống ngăn mặn và hiện đang thi công 2 cống, nạo vét 3 tuyến kênh, rạch nội đồng để ngăn mặn, trữ ngọt.
Đồng thời, chính quyền địa phương đã có nhiều động thái tích cực nhằm hỗ trợ người dân, giúp nâng cao giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
“Nhằm khôi phục lại vườn cây ăn trái đặc sản của Tân Phú, UBND xã phối hợp với Hội Nông dân mời Chi cục Khuyến nông đến để hướng dẫn bà con xử lý, cải tạo lại vườn cây bị ảnh hưởng hạn mặn, gây sụt giảm về năng suất. Đồng thời, khuyến khích bà con trồng lại vườn cây đã chết sau hạn mặn bằng cây sầu riêng, chôm chôm, đây là cây chủ lực của địa phương nhằm giữ vững diện tích.
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục liên kết đầu ra cho sầu riêng sau hạn mặn như: làm cầu nối giữa phòng nông nghiệp huyện và các tổ hợp tác, hợp tác xã để cải tạo lại vườn cây, xử lý trái nghịch vụ để đáp ứng sản lượng mời gọi các công ty thu mua xuất khẩu trái cây, tạo đầu ra ổn định cho bà con.
Xã Tân Phú được chọn là địa phương nghiên cứu đề tài khoa học về vùng chuyên canh cây ăn trái của huyện, đây là tín hiệu mừng cho địa phương. Qua đó, giúp bà con phấn khởi ổn định diện tích cây ăn trái đặc sản, đủ điều kiện xuất khẩu, sản xuất trái cây sạch, hướng đến xây dựng thương hiệu bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Đặng Văn Bình - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Châu Thành nói.