Hướng đi mới trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng
Cho vay tiêu dùng đóng góp không ít trong lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian qua. Nhận thấy tiềm năng này, các đối tác ngoại cũng muốn tham gia sân chơi bằng cách mua lại các công ty tài chính của Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành cho rằng, động thái trên có thể là hướng đi mới trong bối cảnh toàn ngành NH đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ và các đối tác ngoại muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động tài chính của Việt Nam.
Ông có thể nói rõ hơn nhận định của mình?
TS. Võ Trí Thành |
Trên thực tế, cho vay tiêu dùng đóng góp không ít trong lợi nhuận của các NH trong thời gian qua. Nhận thấy tiềm năng này, các đối tác ngoại cũng muốn tham gia sân chơi bằng cách mua lại các CTTC của Việt Nam. Với sự tham gia cả nội, ngoại, sân chơi này hứa hẹn thị trường tài chính tiêu dùng rất sôi động trong thời gian tới.
Mức độ tham gia của các NĐT ngoại cũng như các NH còn tùy thuộc vào chiến lược của cả hai bên. Đơn cử như nếu NH đang cần vốn để phục vụ cho mục tiêu khác quan trọng hơn, ví dụ tăng vốn chủ sở hữu… thì họ có thể bán toàn bộ cổ phần. Nếu NH vẫn muốn khai thác mảng kinh doanh này, nhưng lại muốn rút ra một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực khác hoặc muốn học hỏi thêm kinh nghiệm đối tác ngoại thì phương án mà họ lựa chọn là bán một phần. Vấn đề là các NĐT có chấp nhận điều này hay không vì cũng giống như NH, nó liên quan đến quyền điều hành. Đây là hướng đi mới mà các NH thực hiện trong thời gian tới đối với hoạt động CTTC tiêu dùng.
Có hai hướng phát triển mảng cho vay tiêu dùng của các NH đó là mua lại hoặc thành lập mới CTTC tiêu dùng. Theo ông lựa chọn nào khả thi hơn trong bối cảnh hiện nay?
Cả hai cách đều có những lợi thế và thách thức. Thành lập mới, NH hoàn toàn chủ động từ vốn, nhân sự đến mạng lưới hoạt động, tìm kiếm khách hàng theo một dòng chảy. Tuy nhiên, do mô hình hoạt động mới cũng khá đặc thù cần có kinh nghiệm nhất là quản trị rủi ro. Ngược lại, khi mua lại thì CTTC đó đã có sẵn khách hàng, mạng lưới cũng như kinh nghiệm. Đổi lại NH phải mất nhiều tiền tươi thóc thật hơn, rồi phải có chiến lược vực lại công ty đó, liệu việc áp đặt văn hóa quản trị mới có diễn ra suôn sẻ không. Vì cũng như DN vậy, M&A không bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Nhất là cách thức quản trị, tính toán chiến lược, văn hóa kinh doanh có phù hợp với con người hiện có hay không… Những yếu tố trên quyết định thành hay bại rất lớn đối với M&A.
Ông đánh giá xu hướng phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng ra sao?
Thời gian qua sự phát triển của hoạt động trên theo tôi phát triển khá tốt và vẫn còn tiềm năng lớn. Nhưng mà rõ ràng, đến lúc này, trong giai đoạn cải tổ của ngành NH còn bộn bề thì mỗi NH nên xem xét chiến lược phát triển trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đã đến lúc nên “đầm” hơn một chút. Thường “giục tốc sẽ bất đạt”.
Cho vay tiêu dùng có cái hay tức là phân tán rủi ro theo từng khách hàng nhỏ. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có rủi ro đứng ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, bài học Hàn Quốc và nhiều nước khác đã chứng minh điều này. Cho nên tuy tạo điều kiện cho NH phát triển nhưng cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát phòng tránh hệ lụy đáng tiếc. Chưa kể, các CTTC không được huy động vốn ngắn hạn mà cho vay tiêu dùng thường vay dài hạn hơn. Do đó, cần có sự hỗ trợ của NH mẹ. Trong khi đó bản thân NH mẹ cũng bị hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Xin cảm ơn ông!