Hụt hàng tỷ đô từ “đại gia” dầu khí bỏ cuộc, vốn FDI có đáng lo?
Manh nha từ những năm trước đó nhưng bắt đầu từ đầu năm 2016 cho đến nay, nhiều tập đoàn dầu khí lớn của nước ngoài đang lần lượt rút lui khỏi các dự án lọc dầu tỷ đô ở Việt Nam do lo ngại giá dầu biến động, khả năng sinh lời thấp.
Ồ ạt rút lui khỏi Việt Nam
Ngày 4/8, Tập đoàn LafargeHolcim đã ra thông báo vừa ký một thỏa thuận bán toàn bộ 65% cổ phần của mình. Tuy LafargeHolcim không nói rõ lý do rút khỏi Việt Nam sau 22 năm có mặt tại thị trường này, nhưng Tập đoàn này cho biết việc thoái vốn nằm trong kế hoạch tái cơ cấu các hoạt động nước ngoài của tập đoàn này, nhất là khi công suất xi măng ở Việt Nam đã dư thừa, khiến ngành công nghiệp này không còn thuận lợi như trước.
Liên quan đến câu chuyện các “đại gia” dầu khí đang lần lượt rút lui khỏi Việt Nam, gần đây nhất phải kể đến việc dừng siêu dự án lọc dầu 22 tỷ USD. Sau khi xin điều chỉnh giảm vốn đầu tư từ 28 tỷ USD xuống 22 tỷ USD cũng không triển khai được dự án, mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã quyết định chấm dứt Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội do không đảm bảo tính khả thi, chậm trễ kéo dài, và gây ảnh hưởng lớn đến tình hình thu hút doanh nghiệp khác đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội.
Vào cuối tháng 6 vừa qua, tập đoàn PTT cũng thông tin cho biết nguyên nhân hoãn kế hoạch xây dựng Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội là do hiện nay thị trường dầu thế giới đang ở trong bối cảnh biến động nên tập đoàn cần xem xét và cân nhắc thêm việc đầu tư trong tương lai.
“Ông lớn” năng lượng khác đến từ Nga là Gazprom Neft vào đầu năm 2016 cũng quyết định ngừng mua 49% cổ phần Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau khi không thỏa mãn với những điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất, Tập đoàn dầu khí Gazprom Neft đã quyết định ngừng kế hoạch mua số cổ phần trên của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với lo ngại đầu tư sinh lợi thấp.
Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu niềm Nam (Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu) trì hoãn 8 năm, trong đó có nguyên nhân, Tập đoàn Qatar Petroleum (Qatar) đã rút khỏi dự án vào năm 2015.
Hụt vốn FDI nhưng không đáng ngại
Dù khi rút mỗi dự án đều có những lý do riêng, nhưng theo giới phân tích không có lý do nào khác ngoài việc giá dầu thế giới giảm theo kiểu “xuống dốc không phanh”, nguồn cung từ các nước OPEC, Nga… thừa thãi khiến nhà đầu tư phải tính toán chi phí.
Trước bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, các tập đoàn dầu khí thế giới lâm vào thế khó, Tập đoàn PTT, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar,Tập đoàn Gazprom Neft (GPN), Lọc hoá dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi)… cũng không nằm ngoài tác động.
“Tập đoàn PTT của Thái Lan ở Bình Định từng nói luôn giá dầu giảm chúng tôi đầu tư làm gì”. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, tại nhiều quốc gia khác cũng có tình trạng tương tự. Một con số thống kê cho hay, từ tháng 10/2015 trở lại đây, riêng tại nước Mỹ, số lượng giàn khoan đã giảm tới 60% vì lý do giá dầu khí sụt giảm, nhiều tập đoàn dầu khí tại nước này buộc phải ngưng hoạt động và tìm phương hướng tái cơ cấu.
Thực tế, nhìn tổng thể, có lẽ chưa bao giờ giá dầu thô thế giới lại trở nên khó đoán định như năm 2016, khi chập chờn tăng, lúc ngập ngừng giảm. Bởi cũng có lẽ, chưa bao giờ giá dầu lại chịu cộng hưởng tác động trái chiều của nhiều nhân tố chính trị, kinh tế và kỹ thuật như vậy.
Nhiều dự báo cho rằng, giá dầu sẽ tiếp tục giảm hơn nữa vì thời kỳ cao điểm tiêu thụ đã chuẩn bị kết thúc. Một số dự báo giá dầu thô năm 2016 có thể nằm ở ngưỡng 50-60 USD/thùng trong nửa cuối năm 2016 hoặc thậm chí thấp hơn, khiến cho các dự án khai thác dầu đá phiến của các công ty dầu khí Mỹ bị chậm lại hoặc bị hủy bỏ.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân lớn khác khiến các các “đại gia” dầu khí nước ngoài rút khỏi Việt Nam, theo các chuyên gia là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, khiến hàng rào thuế quan về 0%. Như vậy, những ưu đãi để kéo các nhà đầu tư ngoại vào ngành hóa dầu dần bị các FTA vô hiệu hóa.
Có ý kiến cho rằng, việc các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn khỏi các dự án lọc hóa dầu ở Việt Nam thời gian qua chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bởi khi dừng dự án, nguồn vốn FDI đổ vào ngành dầu khí nói riêng, vào nền kinh tế nói chung sẽ sụt giảm. Điều này tất yếu gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn ngành dầu khí cũng như sự tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây không phải là một điều tệ đối với nền kinh tế nước nhà. Thậm chí, theo nhận định của Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sự rút lui này của các ông lớn ngoại quốc lại ít nhiều mang lại những điểm lợi cho nền kinh tế.
Phân tích cho thấy, một dự án lọc hóa dầu có thể “ngốn” đến hàng trăm ha đất nhưng cơ hội mang lại cho lực lượng lao động của Việt Nam có thực sự nhiều? Trong khi đó một nhà máy điện tử Samsung, chỉ sử dụng hơn 60 ha song đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động của Việt Nam. Đó còn chưa kể đến sự ảnh hưởng về môi trường mà các dự án lọc hóa dầu có thể gây ra mà chúng ta khó có thể lường trước được.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, tương lai của các dự án vô cùng mờ mịt bởi theo dự báo thì xu hướng trên thế giới sẽ không còn khai thác dầu, thay vào đó là chạy điện phục vụ sản xuất công nghiệp. Bởi vậy, nhu cầu về lọc hóa dầu sẽ hạn chế hơn.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, khi không mang lại lợi nhuận lớn, lại gây ra những ảnh hưởng cho môi trường, thì việc mở thêm các dự án lọc hóa dầu mới không phải là điều nên làm.
Việt Nam cần hướng đến những lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, thân thiện môi trường và cơ hội đang mở ra ở phía trước khi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do đã và đang được ký kết.