Giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI vào TP. Hà Nội
Ngày 22/11/2015, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 đã diễn ra lễ ký Tuyên bố về thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015. AEC ra đời mang đến cơ hội và những thách thức mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do vậy, tìm ra những giải pháp thích hợp trong giai đoạn này để thu hút FDI vào Hà Nội là rất cần thiết.
Tình hình thu hút FDI của Hà Nội giai đoạn 2010 -2015
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Từ năm 2010 - 2015, Thành phố đã thu hút được 1.637 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7,551 tỷ USD. Riêng trong năm 2015, Hà Nội thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 8% so với năm 2014.
Đặc biệt, trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) quan trọng như KCN Thăng Long I, Nội Bài, KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, khu công nghệ cao Hòa Lạc… là những nơi thu hút nhiều vốn FDI từ các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:
- Về số lượng dự án và tổng số vốn đầu tư đăng ký và thực hiện từ năm 2010 đến nay: Nhìn chung, vốn FDI đăng ký vào Hà Nội tăng dần qua các năm. Số vốn đăng ký năm 2014 tăng gấp 1,57 lần số vốn đăng ký năm 2010. Tính đến 31/3/2016, Hà Nội đã thu hút 825,1 triệu USD vốn FDI, tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 1.091 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014.
- Về hình thức đầu tư: Theo số liệu của UBND TP. Hà Nội, hình thức đầu tư chiếm số lượng lớn nhất, áp đảo các hình thức đầu tư khác là đầu tư 100% vốn nước ngoài, chiếm trên 70% so với các hình thức đầu tư khác. Tiếp đến là hình thức đầu tư liên doanh, chiếm từ 20-30%.
- Về đối tác đầu tư: Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Hà Nội khá đa dạng với 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản đến các quốc gia có nền kinh tế kém phát triển như CHDCND Triều Tiên.
Số liệu thống kê về thu hút vốn FDI của cả nước (tính lũy kế từ 1988 - 2013) cho biết, vốn FDI vào Việt Nam từ các nước ASEAN chiếm khoảng 20% tổng số vốn từ tất cả các nước trên thế giới (riêng từ Singapore đã chiếm 12,7%).
Tính đến tháng 11/2015, có 8 nước thành viên ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam và Hà Nội. Số dự án này đầu tư vào 18/18 phân ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Tính bình quân 1 dự án là 21,6 triệu USD/dự án cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD/dự án. Theo số liệu thống kê Hà Nội, trong giai đoạn 1988-2013, trung bình mỗi năm Hà Nội thu hút khoảng 584 triệu USD (vốn thực hiện khoảng 80% so vốn đăng ký).
Trong tổng số vốn FDI đã thu hút, riêng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản chiếm tới khoảng 54%. Hoạt động khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 5% tổng vốn đã thu hút. Dự án FDI vào địa bàn Hà Nội đều thuộc loại có quy mô không lớn. Trong tổng số 1.649 DN FDI đang hoạt động thì chỉ có 795 DN có cỡ vốn từ 500 tỷ đồng trở lên.
Đẩy mạnh thu hút FDI trong AEC
Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế với việc ký kết và triển khai các Hiệp định thương mại tự do và tham gia AEC… sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam, nhất là Thủ đô Hà Nội đẩy mạnh thu hút FDI. Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI trong AEC, TP. Hà Nội cần quan tâm chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất, về môi trường đầu tư: Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến FDI, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động FDI phát triển theo đúng định hướng và phù hợp với yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và yêu cầu hội nhập sâu vào AEC.
Chính sách cần được hoàn thiện có tính đón đầu ở mức độ phù hợp, đặc biệt là xu hướng mở rộng và phát triển theo chiều sâu liên kết kinh tế và hội nhập. Cần khai thác tính khác biệt giữa các quy định trong AEC cũng như các quy định trong các hiệp định thương mại tự do, đầu tư, đối tác kinh tế được ký kết giữa các nước trong AEC với các nước không tham gia sân chơi chung này.
Đa dạng hóa các hình thức FDI để khai thác thêm các kênh thu hút đầu tư mới. Đồng thời, mở rộng lĩnh vực thu hút FDI phù hợp với các cam kết trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia AEC.
Đối với TP. Hà Nội, cần áp dụng rộng rãi mô hình đầu tư đối tác công – tư (PPP) để kích thích dòng vốn FDI. Đây là mô hình đang được nhiều nước trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) triển khai thành công và là một trong những giải pháp đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên, với những chính sách cởi mở, tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua mô hình PPP, việc bảo đảm tính tường minh, thống nhất các thông tin, luật định và một môi trường cạnh tranh công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là đòi hỏi thiết yếu. UBND Thành phố cần tiếp tục rà soát và hợp lý hóa quy trình, thời gian thực hiện các khâu từ lúc mới hình thành, thẩm định và cấp phép đầu tư đến khi triển khai dự án sau cấp phép đầu tư, đảm bảo tính hợp lý, rõ ràng và dễ hiểu, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ các trường hợp “xin cho”, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, về công tác xúc tiến đầu tư: Cần phải được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành của Thành phố, thường xuyên đổi mới về nội dung và phương thức vận động, xúc tiến đầu tư. Các chương trình vận động xúc tiến đầu tư phải được thực hiện theo ngành, lĩnh vực, địa bàn với các dự án và đối tác cụ thể, hướng vào các đối tác nước ngoài có tiềm lực về tài chính và công nghệ cao.
Về đối tác, cần mở rộng, đa phương hóa quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư thông qua các hoạt động đối ngoại, các diễn đàn quốc tế, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, APEC, ASEM và các cuộc hội thảo về hợp tác đầu tư trong nước và ngoài nước. Chú trọng phát triển các hoạt động phối hợp chính sách với từng đối tác thành viên trong AEC để tạo khả năng thích nghi lẫn nhau song phương có hiệu quả.
Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực: Thành phố Hà Nội cần xây dựng và ban hành quy chế về tuyển chọn và bố trí cán bộ tham gia hội đồng quản trị và quản lý DN liên doanh. Trong đó, quy định rõ các tiêu chuẩn tuyển chọn về phẩm chất chính trị và đạo đức, chuyên môn và nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý… cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ làm việc tại các DN liên doanh.
Chú trọng việc xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác đào tạo và đào tạo lại bằng nhiều hình thức khác nhau cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên có triển vọng và đạo đức tốt, am hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế và các kỹ năng chuyên ngành phù hợp DN được bố trí, nhất là đối với những ngành nghề, những DN trọng điểm.
Cùng với sự phát triển nhanh về tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự phát triển nhanh chóng các ngành công nghiệp, các KCN tập trung… đã làm gia tăng nhu cầu lao động đã qua đào tạo trên địa bàn. Thành phố cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, đặc biệt là những ngành nghề mà nhiều DN FDI có nhu cầu.
Hệ thống đào tạo nghề phải đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tính thực tiễn và hiệu quả nhằm đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
Thứ tư, chú trọng thu hút các DN FDI “sạch”, thân thiện với môi trường. Hà Nội cần thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước đối với các DN FDI về môi trường; đánh giá một cách khoa học, khách quan những vấn đề môi trường đang tồn tại và những nguy cơ có thể xảy ra, trên cơ sở đó đưa yêu cầu bắt buộc đối với DN FDI về các phương án biện pháp khắc phục chất thải ra môi trường bên ngoài và phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt từ trước khi dự án được thành lập.
Tài liệu tham khảo:
1. http://thoibaonganhang.vn/ha-noi-trien-vong-thu-hut-fdi-45211.html;
2. http://www.thesaigontimes.vn/142951/Ha-Noi-vuon-len-dan-dau-thu-hut-von-FDI.html;
3. http://baodauthau.vn/dau-tu/day-manh-thu-hut-dau-tu-vao-ha-noi-22592.html.