Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp

Nguyễn Thao

Giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay và cần được triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp hiện nay

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục nghề nghiệp. Sự quan tâm của Nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp được thể hiện rõ tại Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. Đây là một đạo luật thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.

Nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp đã được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực. Nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, đào tạo và được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.

Các nguồn lực đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhu cầu học tập của người lao động và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Ngân sách nhà nước đã ưu tiên đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng ven biển. Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo đối với những ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn; những ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa.

Theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn, các nguồn tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện tại bao gồm hai nguồn chủ yếu nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2019, nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 85,65%; đóng góp của người dân thông qua học phí khoảng 10,41%; thu từ dịch vụ sự nghiệp của các cơ sở dạy nghề là 1,08%; đầu tư, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khoảng 2,86%.

Mặc dù đạt nhiều kết quả trong việc huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên,  so với yêu cầu phát triển dạy nghề thì việc huy động các nguồn lực đặc biệt là nguồn tài chính ngoài ngân sách nhà nướcvẫn còn nhiều hạn chế cả về quy mô và cơ cấu... Số liệu thống kê cho thấy, tổng các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập hiện mới có trên 3.200 dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 53.000 tỷ đồng. Đây là kinh phí rất thấp so với yêu cầu phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các nguồn lực tài chính huy động ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp thời gian quan chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện; chưa huy động được sự tham gia đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, Việt Kiều. Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở dạy nghề tiến triển chậm; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư... còn đơn lẻ, chưa tạo được sự đột phá trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp… 

Huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để khuyến khích khu vực tư nhân trong nước và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp…

Ngân sách nhà nước cần ưu tiên đầu tư thích đáng, đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, gồm: trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, trung tâm thực hành vùng, trường chất lượng cao, các trường chuyên biệt; các ngành, nghề trọng điểm, ngành nghề đặc thù; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp (đội ngũ nhà giáo, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất thiết bị); đồng thời tập trung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Các cơ quan quản lý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương cần đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong việc đầu tư cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ mội trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong việc hình thành các trường nghề quốc tế.

Đồng thời, cần tập trung nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, các nghề trọng điểm đặc biệt là các nghề hướng tới đáp ứng nhu cầu của xã hội trong tương lai. Tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp đặc biệt huy động được các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại.

Hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cần được đẩy mạnh một cách thực chất thông qua các hoạt động liên kết cụ thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động trong việc kết nối. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng chuyên gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo và hướng dẫn thực hành. Các doanh nghiệp sử dụng nhà giáo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các hoạt động chuẩn hóa và nâng cao kỹ năng nghề của người lao động tại doanh nghiệp. Học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia thực hành tại các doanh nghiệp và tiếp cận thị trường việc làm qua các doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện quyết liệt việc giải thể hoặc xã hội hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, kém hiệu quả với lộ trình phù hợp để đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp.