Huy động mọi nguồn lực cho bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

PV

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26.

Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26 sáng ngày 2/10.
Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26 sáng ngày 2/10.

Theo Liên Hợp quốc (2023), biến đổi khí hậu là sự thay đổi lâu dài trong nhiệt độ và các hình thái thời tiết. Đây là một mối đe dọa toàn cầu và có tầm ảnh hưởng lên nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh thái, môi trường, chính trị - xã hội và kinh tế - xã hội.

Biến đổi khí hậu đã, đang và dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội toàn cầu. Kahn và cộng sự (2019) ước tính, với tốc độ tăng nhiệt độ khoảng 0,04°C mỗi năm, nếu không có các chính sách can thiệp, GDP thực toàn cầu sẽ giảm hơn 7%/năm vào năm 2100. Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước do sự nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (IPCC, 2023).

Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của; ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình. Do đó, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc quan trọng cần làm thường xuyên, liên tục và hiệu quả.

Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết. Qua đó, đã có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động, tự giác, nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể, tạo hành lang chính sách, là cơ sở quan trọng để triển khai nhanh chóng, kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Các cấp, ngành, địa phương đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, triển khai kịp thời các cam kết, điển hình là triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. 

Đặc biệt, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, cam kết, triển khai các dự án cụ thể của các đối tác quốc tế; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực...

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.

Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, thực hiện và hưởng thụ thành quả.