Huy động vốn vay phải đảm bảo an toàn, bền vững nợ công trong trung, dài hạn

Trần Huyền

Liên quan đến kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh về nâng trần nợ công, Bộ Tài chính cho rằng, việc huy động nợ công cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách nhà nước, nợ công trong trung, dài hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cử tri TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh việc thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ. Bên cạnh đó, cử tri đề nghị cần sớm có chính sách nới rộng trần nợ công và tăng thêm cung dòng tiền cho các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hoặc sử dụng ngân sách nhà nước cấp tiền, cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp.

Trả lời kiến nghị cử tri, đối với nội dung nâng trần nợ công, Bộ Tài chính cho biết, tại kế hoạch tài chính ngân sách và vay trả nợ công 5 năm 2021-2025, Quốc hội phê duyệt mức trần nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo an toàn nợ công khoảng 55% GDP và nợ Chính phủ khoảng 45% GDP; chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước hằng năm không quá 25%.

Quốc hội đã phê duyệt tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước bình quân cả giai đoạn là 3,7% GDP. Theo đó, đến năm 2025, chỉ tiêu nợ công dự báo khoảng 45,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41,6% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước cao nhất cả giai đoạn rơi vào năm 2021 là khoảng 24,8%. 

Theo Bộ Tài chính, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, đi đôi với việc đảm bảo ổn định vĩ mô nền kinh tế. Chương trình này bao gồm các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19. Điều kiện thực thi Chương trình phải đảm bảo sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Trong trường hợp nâng mức bội chi ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 sẽ làm tăng tương ứng dư nợ công, nợ Chính phủ và ảnh hưởng tới các chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội phê duyệt, theo đó chỉ tiêu nợ Chính phủ so với GDP tiến sát, có khả năng vượt ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt (45%).

Trường hợp tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra hay xảy ra các cú sốc vĩ mô đòi hỏi phải tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa, các chỉ tiêu an toàn nợ có khả năng vượt các mức ngưỡng quy định, tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng bền vững nợ, an ninh tài chính quốc gia. 

Bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn trước là việc tăng bội chi, nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ, mở rộng bảo lãnh Chính phủ để chống suy giảm kinh tế trong giai đoạn 2008-2011 đã khiến cho quy mô nợ công tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân lên đến 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015, tạo ra vòng xoáy đảo nợ và áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW để từng bước kiềm chế tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2016-2020.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, việc huy động nợ công cho Chương trình trong thời gian tới cần đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo an toàn, bền vững ngân sách nhà nước, nợ công trong trung, dài hạn.

Liên quan đến kiến nghị về chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch bệnh. Chính phủ, các bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngày 14/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó giao các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện Chương trình. Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện Chương trình, dự kiến sẽ báo cáo Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường vào cuối năm nay.

Về việc sử dụng ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất cho các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp, có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng gói hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức tín dụng để tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 vay vốn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để đề xuất chính sách cho vay cụ thể.