Hy Lạp có thể lại đối mặt với khủng hoảng trong năm mới
2016 tiếp tục có thể là một năm rắc rối tiếp theo với Hy Lạp khi quốc gia này cuối tuần trước vừa chật vật đàm phán với các chủ nợ quốc tế, cũng như vẫn đang quay cuồng với chính sách thắt lưng buộc bụng đang ảnh hưởng tới hàng triệu dân nghèo tại đây.
Theo đó, Hy Lạp sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ 1 tỷ euro (1,085 tỷ USD) được bắt đầu giải ngân từ tuần này. Khoản tiền này là một phần trong thỏa thuận đã đạt được trong mùa hè vừa qua.
Hiện nay, vấn đề của Hy Lạp chính là tái cấu trúc lương hưu được kỳ vọng sẽ bắt đầu tiến hành đầu tháng tới. Cuộc đại tu hệ thống lương hưu hứa hẹn sẽ là một “trở ngại” vô cùng lớn cho Hy Lạp, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới trên 25% và thu nhập trung bình giảm 25% trong 4 năm vừa qua.
"Chính phủ Hy Lạp hiện không có lựa chọn nào khác và phải sớm tiến hành quá trình tái cấu trúc đòi hỏi trong thỏa thuận với các chủ nợ", Stathis Kalyvas, giáo sư về khoa học chính trị của Trường Đại học Yale cho biết.
Thách thức đối với Hy Lạp chính là thuyết phục các chủ nợ rằng quốc gia này có thể giảm chi tiêu chính phủ 1% GDP thông qua cắt giảm lương hưu. Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng những điều chỉnh về lương hưu sẽ làm này sinh ra nhiều vấn đề mới.
Một số thành viên của chính phủ đã khẳng định rằng họ sẽ không ủng hộ cắt giảm lương hưu.Điều này có thể gây ra khủng hoảng chính trị. Chính vì lý do đó, lãnh đạo Đảng Syriza kỳ vọng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rút lại yêu cầu về cắt giảm lương hưu.
Theo giáo sư Kalyvas, cải cách lương hưu không chỉ là vấn đề về tài khóa mà chính là “đại tu” một hệ thống không bền vững và không công bằng. Quỹ lương hưu hiện nay không đủ và tình hình này ngày càng tồi tệ do sự mất cân bằng dân số của Hy Lạp.
Quỹ lương hưu của Hy Lạp nhận được trên 50% doanh thu từ chính phủ và dân số quốc gia này đang già đi một cách nhanh chóng. Cải cách lương hưu là một việc làm vô cùng cấp bách trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Theo Kevin Featherstone, giáo sư của Trường Kinh tế London, cuộc chiến tái cấu trúc của Hy Lạp bắt đầu từ những tổ chức nhà nước không hiệu quả, bất bình đẳng kinh tế xã hội và sự bất đồng giữa công đoàn và doanh nghiệp.Tuy nhiên,các vấn đề này không thể được giải quyết bằng tiền cứu trợ. Featherstone cũng cho rằng hệ thống lương hưu của Hy Lạp rất cần phải được tái cấu trúc.
Khủng hoảng nhập cư cũng đã làm gia tăng áp lực đối với Hy Lạp – cũng như nhiều quốc gia khác trong Liên minh châu Âu.