Hy Lạp trên con đường trở lại thị trường trái phiếu châu Âu
Từng một thời bị thị trường trái phiếu châu Âu “lạnh nhạt”, Hy Lạp đang quyết tâm đặt mục tiêu đưa trái phiếu nước này phục hồi và trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Sau nhiều năm thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, việc các Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hồi cuối tháng sáu nhất trí giảm nợ và giải ngân khoản cuối cùng trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (100 tỷ USD) đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn Hy Lạp chìm trong nợ nần - vào thời điểm đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này thậm chí vượt 40% và Athens đã suýt phải rời khỏi Eurozone. Thỏa thuận này cũng cho phép Hy Lạp không còn phải phụ thuộc vào chương trình cứu trợ của nước ngoài từ ngày 20/8 tới.
Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức tương đương 180%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vẫn là mức cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận này cũng cho phép Hy Lạp không còn phải phụ thuộc vào chương trình cứu trợ của nước ngoài từ ngày 20/8 tới. Thỏa thuận nêu trên là một bước ngoặt quan trọng đối với khu vực Eurozone sau gần một thập niên kể từ cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp đã khiến thế giới choáng váng vì những khoản chi tiêu vượt tầm kiểm soát. Chính cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến 3 gói cứu trợ và từng đẩy đồng euro đến bên bờ vực sụp đổ.
Một trong những yếu tố có thể giúp Hy Lạp bước vững chắc hơn trên con đường tự chủ tài chính là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng ý đưa các trái phiếu của Hy Lạp vào chương trình nới lỏng định lượng (QE) khổng lồ của ngân hàng này khi gói cứu trợ dành cho Athens kết thúc.
Với tình hình xếp hạng tín dụng ở dưới mức đầu tư, Hy Lạp hiện vẫn chỉ có thể tiếp cận những khoản tín dụng giá rẻ của ECB vì đó là một phần của chương trình cứu trợ. Song ECB đã từng nói rõ rằng một khi chương trình cứu trợ kết thúc, những ưu đãi của Hy Lạp sẽ không còn nữa.
Để được tham gia chương trình QE, Hy Lạp cần phải vượt qua "sát hạch" của ECB về tính bền vững của các khoản nợ. Tuy nhiên, việc này sẽ chỉ được tiến hành sau khi Athens thực hiện các cải cách đã nhất trí với các chủ nợ châu Âu hồi tháng sáu năm nay. Mặc dù vậy, các nhà phân tích tại ngân hàng HSBC lại cho rằng Hy Lạp có thể được coi là một trường hợp đặc biệt của khu vực Eurozone, và nhiều khả năng sẽ có một số “nới lỏng” về các điều kiện dành cho trái phiếu của nước này.
Nếu Athens vượt qua được "sát hạch" của ECB, trái phiếu Hy Lạp sẽ “rộng cửa” được tham gia vào QE trong các tháng cuối năm nay hoặc vào năm tới trong chương trình tái đầu tư của ECB. Nhà kinh tế học Francois Cabau của ngân hàng Barclays ước tính rằng ECB có thể mua lượng trái phiếu Hy Lạp trị giá khoảng 3 tỷ euro trước khi chạm tới ngưỡng giới hạn cho phép.
Ngoài việc tham gia chương trình QE của ECB, Hy Lạp cũng cần thu hút thêm các nhà đầu tư dài hạn để củng cố cho “sức khỏe” tài chính của nước này. Tuy nhiên, bên cạnh việc xếp hạng tín dụng ở mức “không đáng đầu tư”, việc thị trường trái phiếu có quy mô khá nhỏ và khối lượng giao dịch thấp đã khiến nhiều nhà đầu tư lớn xa lánh trái phiếu Hy Lạp. Những nhà đầu tư này thường ưa thích những thị trường có tính thanh khoản cao và dễ tiếp cận hơn.
Khoảng 83% trong khoản nợ trị giá 332 tỷ euro của Hy Lạp do những tổ chức cho vay chính thức nắm giữ, trong khi phần còn lại thuộc về các các quỹ dự phòng, ngân hàng và quỹ hưu trí nội địa. Với lượng trái phiếu thực sự được giao dịch chỉ khoảng 40 tỷ euro, thị trường Hy Lạp thực sự quá “nhỏ bé” so với các thị trường Đức, Pháp và Italy (I-ta-li-a), nơi có lượng trái phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ euro.
Hiện Athens không chịu áp lực phải ngay lập tức khai thác thị trường trái phiếu. Theo ngân hàng UBS của Thụy Sỹ, Hy Lạp vẫn còn một khoản tiền 15 tỷ euro được giải ngân từ gói cứu trợ cuối cùng, và do đó sẽ có một khoản tiền hơn 24 tỷ euro giúp nước này có đủ nguồn tài chính cho tới hết năm 2020. Việc phát hành một đợt trái phiếu mới sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường Hy Lạp.
Các chiến lược gia về đầu tư trái phiếu cho rằng một trái phiếu kỳ hạn 10 năm mới của Hy Lạp có thể đạt lợi suất khoảng 4%. Đây là một tỷ lệ khá hấp dẫn, bởi lẽ con số này cao gấp 10 lần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, và cao hơn mức 2,5% của trái phiếu cùng kỳ hạn do Italy phát hành. Bên cạnh đó, một yếu tố có thể thúc đẩy đáng kể sự hấp dẫn của trái phiếu Hy Lạp là việc xếp hạng tín dụng của nước này được cải thiện.
Trong khi xếp hạng của Hy Lạp đã được nâng cấp sau khi nước này đạt được thỏa thuận với cho các chủ nợ hồi tháng sáu, mức xếp hạng của Hy Lạp vẫn lần lượt là B+/B3/B theo cách tính của ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn trên thế giới là S&P, Moody’s và Fitch.
Những mức nêu trên đều ở dưới mức xếp hạng đầu tư từ 5 đến 7 bậc. Ví dụ như Moody's đã xếp Hy Lạp ngang hàng với Angola (An-gô-la), Ai Cập và Ecuador (Ê-cu-a-đo). Điều này khiến trái phiếu của Hy Lạp nằm ngoài các chỉ số trái phiếu chủ chốt mà các quỹ đầu tư lớn thường sử dụng làm mốc chuẩn. Để có thể gia nhập chỉ số Markit iBOXX EUR có giá trị thị trường hơn 6.000 tỷ euro của khu vực Eurozone, Hy Lạp cần có mức xếp hạng trung bình tối thiểu tương đương BBB. Việc này chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian, do Bồ Đào Nha đã mất tới 5 năm để có thể “leo” lên mức xếp hạng đầu tư.
Nhưng theo ông Mark Dowding, một nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại công ty BlueBay Asset Management, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc một trái phiếu được đưa vào các chỉ số chuẩn đã trở nên ít quan trọng hơn so với mức xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế. Do đó, Hy Lạp chỉ cần cải thiện mức xếp hạng là có thể tăng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư với trái phiếu nước này.
Tín hiệu đáng mừng là ngày 20/7 S&P đã nâng dự báo triển vọng nợ công của Hy Lạp từ mức "ổn định" lên mức "tích cực", viện dẫn tình hình chính trị được cải thiện hơn tại quốc gia châu Âu này. Tuyên bố của S&P nhấn mạnh nền kinh tế Hy Lạp đã phát đi những tín hiệu khả quan sau khi nước này tiến hành các cải cách cơ bản thuế và môi trường kinh doanh, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn. S&P nhận định thêm rằng các dự án hạ tầng công cộng có thể thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực du lịch và logistics, qua đó góp phần nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia Đông Nam Âu.
Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức tương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vẫn là mức cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Hy Lạp hiện còn nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khoảng 10 tỷ euro và dự kiến sẽ thanh toán đầy đủ trước năm 2024. IMF hiện đang thực hiện vai trò cố vấn và sẽ phối hợp cùng các thể chế châu Âu cử chuyên gia tới Hy Lạp để tiến hành kiểm toán 2 lần/ năm. Dự kiến, thể chế cho vay lớn nhất thế giới này sẽ công bố báo cáo phân tích về khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp vào đầu tháng tám tới.