Hy Lạp trước giờ G

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Hy Lạp đang đứng trước thời khắc quyết định sau khi Thủ tướng nước này chấp nhận nhượng bộ bằng gói đề xuất mới nhằm cứu vãn cuộc đàm phán giải quyết nợ kéo dài 5 tháng qua. Trong khi các đề xuất mới giúp xoa dịu thị trường chứng khoán và các nhà lãnh đạo châu Âu thì lại khiến doanh nghiệp và các nhà kinh tế không khỏi lo ngại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự nhượng bộ của Hy Lạp

“Tăng thuế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đang giảm sút giống như cố vắt nước từ một quả chanh đã bị vắt kiệt”.

EU và IMF muốn Hy Lạp đạt mục tiêu thặng dư ngân sách trong năm nay bằng 1% tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) và sau đó là 2% vào năm 2016 và 3% vào năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp cắt giảm chi tiêu ngân sách ở mức tương đương 1,5% GDP trong năm nay và 2,5% trong năm tới. Sau nhiều tháng tranh luận, Athens đã “lùi bước” và đưa ra con số thậm chí còn cao hơn yêu cầu của chủ nợ đó là 1,51% trong năm nay và 2,87% trong năm 2016. Các biện pháp này sẽ giúp Hy Lạp có được 8 tỷ euro, chủ yếu thông qua việc tăng thuế.

Cụ thể, Chính phủ Hy Lạp đồng ý áp thuế lũy tiến từ 0,7% - 8% đối với thu nhập từ 12.000 euro đến trên 500.000 euro. Thuế giá trị gia tăng (VAT) vốn là một trong những điểm bất đồng lớn nhất giữa Chính phủ Hy Lạp và “bộ ba chủ nợ” (gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Liên minh châu Âu - EU) sẽ được Athens áp dụng từ 6 - 23%, nhằm đạt mục tiêu tăng thu 1% vào ngân sách.

Theo giới phân tích, những đề xuất mới nhất này của Hy Lạp đáp ứng được tới 90% yêu cầu của “bộ ba chủ nợ” nhằm đổi lấy số tiền vay khẩn cấp 7,2 tỷ euro để trả nợ đáo hạn vào ngày 30.6 tới, nhằm tránh bị tuyên bố vỡ nợ. Platon Monokroussos, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Eurobank - một trong các chủ nợ của Hy Lạp, nói: “Các biện pháp mới đề xuất có vẻ như hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ... bởi chúng dường như triệt để và rõ ràng hơn”.

Tăng thuế có phải giải pháp?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng các biện pháp chủ yếu dựa vào tăng thuế có thể làm tổn hại nền kinh tế vốn đã bị suy thoái trong quý I.2015. “Đề xuất của Hy Lạp dựa quá nhiều vào biện pháp tăng thuế, vốn chỉ có thể áp dụng một lần mà không dựa trên các biện pháp cải cách thực sự mới chỉ là giải quyết phần ngọn” - chuyên gia kinh tế Erik Nielsen của Tập đoàn Unicredit nhận xét.

Mặc dù Hy Lạp cũng đồng ý thu hẹp diện về hưu sớm để tiết kiệm khoảng 360 triệu euro và giảm 200 triệu euro trong chi tiêu quân sự nhưng trọng tâm vẫn là tăng thuế. Những số liệu ước tính cho thấy 7,3 tỷ euro trong tổng số 7,9 tỷ euro (chiếm tới 93%) trong những cam kết tài chính mới của Chính phủ Hy Lạp là số tiền có được từ việc tăng thuế.

Hy Lạp đặt mục tiêu tăng thuế VAT để tăng thêm ngân sách 2,04 tỷ euro và tăng mức đóng góp cho an sinh xã hội để thu về thêm 2,17 tỷ euro. Đồng thời, Athens muốn thu được 2,53 tỷ euro từ việc tăng thuế đối với các công ty kinh doanh. Hy Lạp cũng đề xuất áp dụng mức thuế đặc biệt 12% đối với các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 500.000 euro/năm, và các công ty sẽ bị đánh thuế ở mức 29% thay vì mức 26% như hiện tại từ năm 2016 trở đi. Những người có thu nhập cao và những loại hàng hóa xa xỉ cũng sẽ bị tăng thuế, bao gồm các loại ô tô thể thao, bể bơi, du thuyền và máy bay của tư nhân.

Theo nhà phân tích Michael Hewson của CMC Markets, các biện pháp tăng thuế của Hy Lạp chắc chắn sẽ làm tổn hại hơn tới nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế đang suy thoái. Ông nhấn mạnh: “Với kiến thức kinh tế sơ đẳng chúng ta cũng có thể biết rằng, tăng thuế trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đang giảm sút giống như cố vắt nước từ một quả chanh đã bị vắt kiệt”.

Nỗi khổ của Thủ tướng

Tại Hy Lạp, nhiều cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng nghìn người đã diễn ra tại Thủ đô Athens vào cuối tuần qua nhằm phản đối các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng”. Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ với nội dung “Không thể tống tiền một dân tộc”, “Đất nước này không phải để bán”…

Chính phủ Hy Lạp vô cùng lo lắng khi đến gần hạn chót Athens phải thanh toán nợ cho IMF thì người dân Hy Lạp càng ồ ạt rút tiền. Chỉ riêng trong tuần trước, ít nhất 3 tỷ euro đã chảy khỏi các ngân hàng, so với 4,7 tỷ euro hồi tháng 4. Thống kê của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp cho thấy 30 tỷ euro được rút từ các ngân hàng trên toàn quốc trong thời gian từ tháng 11.2014 đến cuối tháng 4.2015. Nếu không kịp thời ngăn chặn, số tiền còn lại hơn 120 tỷ euro trong hệ thống ngân hàng của nước này cũng sẽ sớm cạn kiệt.

Nếu Athens không đạt được đồng thuận với các chủ nợ và phải tuyên bố vỡ nợ vào ngày 30.6 thì tác động đầu tiên là đối với ngành tài chính, ngân hàng Hy Lạp. Ngay trong năm đầu tiên, khi quay lại với đồng tiền cũ, mỗi người dân phải trả giá hơn 10.000 euro do tác động trực tiếp nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro.

Trong khi đó, Thủ tướng Tsipras đang phải đối mặt với một cuộc chiến cam go trong nước nhằm giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với bất kỳ một thỏa thuận nào. Với sự nhượng bộ khá đau đớn nay, ông có nguy cơ bị chính các thành viên trong đảng Syriza thiên tả của mình quay lưng vì đi ngược lại những cam kết và hứa hẹn về một Hy Lạp “không khuất phục”.