Kịch bản xấu nhất: Nếu Hy Lạp vỡ nợ

Theo kinhdoanhnet.vn

(Taichinh) - Hôm nay 22/6, lãnh đạo các nước châu Âu họp khẩn ở Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp ngăn chặn Hi Lạp vỡ nợ. Bản thân người dân Hy Lạp cũng hoàn toàn không muốn rời eurozone bởi điều đó đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế cho nước này.

Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là việc Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nguồn: internet
Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là việc Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Nguồn: internet

Theo báo Wall Street Journal, mới đây Chính phủ Hy Lạp đã thông báo không thể trả được khoản nợ 1,6 tỷ euro sắp đáo hạn vào ngày 30/6 nếu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU) không giải ngân khoản cứu trợ 7,2 tỉ euro.

Chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn cương quyết khẳng định không chấp nhận các cải cách ngặt nghèo và những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà EU và IMF ép Athens phải thực hiện để được cứu trợ.

Tất cả các bên đều thiệt hại

Sự bế tắc hiện nay khiến cho tất cả các bên đều thiệt hại. Trước mắt là chính Hy Lạp. Ngay sau khi cuộc họp của Eurogroupe ở Luxembourg thất bại, sự hoảng loạn đã diễn ra trên thị trường tài chính Hy Lạp. Người dân nước này đổ xô đến các ngân hàng để rút tiền do lo sợ nước này vỡ nợ và hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ. Trong vài ngày qua đã có hơn 3 tỷ euro bị rút khỏi các ngân hàng Hy Lạp, khiến Ngân hàng trung ương châu Âu phải họp khẩn và đưa ra các cảnh báo.

Tình hình hiện nay ở Hy Lạp đang rất mong manh, nếu sự hoảng loạn của dân chúng không được kiểm soát thì nguy cơ hệ thống ngân hàng Hy Lạp sụp đổ có thể đến nhanh hơn dự báo.

Với châu Âu, bế tắc trong vấn đề Hy Lạp cũng phủ bóng đen lên môi trường kinh doanh khu vực. Kịch bản Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ khiến các nỗ lực hồi phục kinh tế của các nước trong khối bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là điều mà không bên nào muốn xảy ra.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Theo giới chuyên môn, có một số kịch bản có thể xảy ra trong tuần tới.

Thứ nhất, Hy Lạp có thể tuyên bố vỡ nợ mà vẫn không rời khối euro. Khi đó, ECB sẽ phải cân nhắc quyết định có tiếp tục cho các ngân hàng Hy Lạp vay khẩn cấp hay ngừng hỗ trợ Athens. Nếu ECB tiếp tục cho vay, các ngân hàng Hy Lạp vẫn có thể hoạt động thêm một thời gian với đồng euro.

Thứ hai, Hy Lạp cũng có thể bỏ việc sử dụng đồng euro và in đồng drachma. Tình trạng này có thể dẫn tới một cuộc rút tiền hỗn loạn ở các ngân hàng khi người dân Hy Lạp tìm cách chuyển tài sản bằng đồng euro ra nước ngoài trước một vụ đổi tiền trên quy mô toàn quốc. Một cuộc tháo chạy tiền gửi sẽ tàn phá nền kinh tế Hy Lạp.

Thứ ba, Hy Lạp không rút khỏi đồng euro và sử dụng đồng drachma song song với đồng euro. Loại tiền mới sẽ được chính phủ sử dụng để trả lương cho nhân viên nhà nước và giao dịch trong nước, còn tiền euro sẽ được dùng riêng cho việc trả nợ nước ngoài.

Kịch bản Hy Lạp vỡ nợ - Không ai muốn nhưng rất có thể xảy ra

Kịch bản tồi tệ nhất sẽ là việc Hy Lạp vỡ nợ và phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra dù không bên nào, cả chính phủ Hy Lạp lẫn phía châu Âu mong muốn điều đó.

Bản thân người dân Hy Lạp cũng hoàn toàn không muốn rời eurozone bởi điều đó đồng nghĩa với một thảm họa kinh tế cho nước này. 70% dân Hy Lạp vẫn muốn nước này nằm trong eurozone và trong EU.

Chính vì vậy, cảnh báo của Ngân hàng trung ương Hy Lạp là một cách gây sức ép để buộc chính phủ của đảng Syriza phải có những thay đổi trong đàm phán và sớm đạt được thỏa thuận với các chủ nợ.

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Hy Lạp đương nhiên sẽ là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Các chuyên gia kinh tế nhận định nước này sẽ còn lĩnh hậu quả nghiêm trọng hơn Arghentina cách đây vài năm nếu ra khỏi Eurozone.