IMF muốn kiềm chế thị trường tiền điện tử
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự xâm lấn của tiền điện tử không được giám sát đa phương, đã dấy lên mối lo ngại về sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Bitcoin điều chỉnh giảm
Hiện tại, Bitcoin (BTC) đang trải qua một đợt điều chỉnh trong thời gian ngắn, từ mức giao dịch 47.000 USD/BTC xuống quanh mức 45.000 USD. Nhiều nhà đầu tư vẫn bày tỏ thái độ lạc quan trước động thái rớt giá này với lý do, sự căng thẳng trên thị trường không quá nổi bật.
Theo lý giải, nhìn lại năm 2020, sau khi Bitcoin giảm xuống còn 3.300 USD/BTC vào tháng 3, việc phục hồi lên 10.000 USD đã nhanh chóng hoàn thành trước khi giảm một nửa vào tháng 5. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 11/2020, tài sản tiền điện tử đã hợp nhất mạnh mẽ và gia tăng trong khoảng từ 10.000 – 20.000 USD/BTC.
Trong suốt giai đoạn đó, áp lực bán đã được hấp thụ và sự tích lũy bắt đầu từ các tổ chức và nhà bán lẻ. Khi đó, người nắm giữ BTC có thể kiếm được lợi nhuận ròng ước tính từ 300 - 750 triệu USD và giá trị trung bình của BTC tăng lên đáng kể về vốn hóa thị trường.
Đánh giá từ công ty phân tích Glassnode chỉ ra, năm 2021, tình hình hoàn toàn tương tự. Lợi nhuận ròng thực hiện từ tháng 5 đến tháng 7 là từ 1 - 1,5 tỷ USD. Trong thời gian đó, khoảng 3,6 triệu BTC đã được chi tiêu lần cuối và giá trị thực tế trung bình của chúng đã tăng về vốn hóa. Gần 19,2% tổng nguồn cung đạt mức ổn định và hấp thụ phần lớn áp lực bán, trong bối cảnh tháng 1/2021, chỉ có 12% nguồn cung là dưới lợi nhuận ròng.
Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra lúc này là, liệu Bitcoin có ổn định ở mức giá trên 30.000 USD không? Một chuyên gia tài chính số nhận định, trừ khi có một sự kiện “thiên nga đen” khác xảy ra, còn hiện tại, giá Bitcoin về cơ bản đang mạnh hơn giới hạn 30.000 USD, khi nó đã thành công vượt mốc 42.000 USD/BTC trước đó.
“Nhu cầu thị trường đang hấp thụ BTC với mức lợi nhuận đạt được cùng với mức độ trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2020. Theo đó, Bitcoin đã tăng gấp 3 lần. Đây không phải suy luận về tiềm năng của Bitcoin tăng gấp 3 lần so với mức định giá hiện tại của nó. Những phân tích này chỉ làm nổi bật mặt tích cực của Bitcoin đã diễn ra trong quý 2 năm nay”, vị chuyên gia nói.
Cần sớm có cơ chế quản lý
Trước đà tăng của thị trường tiền tiện tử vừa qua, IMF đã cảnh báo, tiền điện tử đang phổ biến một cách bất ngờ với sự xuất hiện của các loại tiền mã hoá, stablecoin, tiền kỹ thuật số quốc gia,... xâm lấn thị trường tiền tệ và một điểm đáng lưu ý đó là “không được giám sát đa phương”, có nguy cơ gây ra sự hỗn loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
“Giá trị của stablecoin đã tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 6 tháng qua, từ 25 tỷ USD lên 75 tỷ USD, trong khi tài sản tiền điện tử tăng gấp đôi từ 740 tỷ USD lên 1,4 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, các tài khoản tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tiêu biểu là châu Phi”, IMF cho biết.
Giống như nhiều thành quả trong sự đổi mới công nghệ, sự ra đời của tiền kỹ thuật số luôn có 2 mặt, tốt và xấu. Nhưng sự phát triển của các định chế mới này, không phải là thứ nên để phó mặc cho thị trường điều tiết.
Có ý kiến cho rằng, hình thức tiền tệ mới sẽ giải phóng mọi người khỏi sự chuyên chế của các chủ ngân hàng thương mại, sự kiểm soát của Ngân hàng Trung ương, sự can thiệp của các cơ quan quản lý và thoát khỏi hầu như tất cả sự kiềm chế tiền tệ đang có.
Vừa qua, tổ chức Bretton Woods đã xuất bản các bài viết về những thách thức chính sách đặt ra bởi thế giới tiền tệ mới và về chiến lược hoạt động cho Quỹ cùng với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), để tham gia với các quốc gia trong cuộc cách mạng tiền kỹ thuật số.
Nigel Green, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư deVere Group cho rằng, tiền điện tử sẽ là con đường của tương lai, dù ai là người chiến thắng hay thua cuộc trong câu chuyện chứng minh về chúng, thì điều cuối cùng vẫn là khái niệm về tiền điện tử phải được định nghĩa.
“Như IMF đã nói, điều cần thiết là phải nhìn xa hơn sự chói lọi của công nghệ và sự hấp dẫn của các dịch vụ thanh toán tương lai, từ đó tạo ra các chính sách sâu sắc hơn trước những thách thức”, Nigel Green phân tích.
Song, IMF cũng đưa ra gợi ý, đồng USD có thể củng cố vị trí thống trị hơn nữa, nếu nó có sẵn ở dạng kỹ thuật số, với chi phí thấp và cho cơ sở người dùng rộng rãi.
Còn theo nhóm nghiên cứu Carnegie Endowment ở Mỹ, Trung Quốc có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ điện tử để "thả nổi" các lệnh trừng phạt của Mỹ. “Những giao dịch lớn giữa các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và các thực thể bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt vì vi phạm bản quyền hoặc vì lý do an ninh quốc gia có thể diễn ra”.
Tất cả những điều này đều nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ quan quản lý vào cuộc một cách công bằng.