Thị trường tiền điện tử tiếp tục trượt dốc

Theo Diễm Ngọc/enternews.vn

Hơn 1 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường tiền điện tử trong tháng 5 trước sức ép của các cơ quan quản lý. Tâm lý nhạy cảm với thị trường có thể sẽ kéo dài cho đến khi mọi thứ ổn định trở lại...

Ngày 19/5 vẫn là ngày “Thứ 4 đen tối” trong lịch sử thị trường tiền điện tử khi Bitcoin giảm hơn 30%, kéo phần còn lại của thị trường xuống theo nó.
Ngày 19/5 vẫn là ngày “Thứ 4 đen tối” trong lịch sử thị trường tiền điện tử khi Bitcoin giảm hơn 30%, kéo phần còn lại của thị trường xuống theo nó.

Điều chỉnh mạnh

Bitcoin (BTC) - đồng tiền điện tử hàng đầu đã tiếp tục giảm 11,3% trong ngày 23/5 sau vài phiên điều chỉnh và kết thúc tuần với mức giảm gần 29,7% trong sắc đỏ. Hiện BTC đang giao dịch quanh mức 33.000 USD - 35.000 USD, Ethereum (ETH) cũng giảm 44,2%. Một số mã thông báo như Aave, Uniswap, UMA, Curve và Sushi cũng giảm hơn 50%.

Trước đó, Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 64.804 USD/BTC vào tháng 4, trong khi Ethereum được giao dịch trên 4.300 USD/ETH vào ngày 12/5. Sự bùng nổ không ngừng trong năm nay đã đẩy số lượng tương tự của Ethereum lên tới 2.200%, trong khi Dogecoin - một mã thông báo được tạo ra như một trò đùa cũng trở nên có giá trị ngang với các công ty blue-chip của Mỹ.

Ngay lập tức, cuộc khủng hoảng trượt giá đã khiến một số người suy đoán, liệu tiền điện tử có rơi vào thị trường xuống dốc hay không bởi những đợt bán tháo lớn vừa qua. Cho đến nay, ngày 19/5 vẫn là ngày “Thứ 4 đen tối” trong lịch sử thị trường tiền điện tử khi Bitcoin giảm hơn 30%, kéo phần còn lại của thị trường xuống theo nó.

Nguyên nhân chính của sự sụp đổ được cho là sau khi ba tổ chức tự quản lý ở Trung Quốc làm rõ lập trường của họ về tiền điện tử. Trong một tuyên bố, họ nhắc lại các lệnh cấm từ năm 2013 và 2017, đồng thời ngăn chặn các tổ chức thanh toán cung cấp dịch vụ tiền điện tử và cung cấp các token ban đầu. 

Không chỉ Trung Quốc, Bộ Tài chính Hoa Kỳ muốn các doanh nghiệp chuyển tiền điện tử trị giá hơn 10.000 USD để báo cáo các giao dịch của họ cho Sở Thuế vụ (IRS). Nếu được thực thi, phán quyết sẽ có hiệu lực vào năm 2023. Cùng với đó là Cục Dự trữ Liên bang cũng đưa ra những cân nhắc về việc phát triển đồng tiền kỹ thuật số quốc gia. Những gọng kìm này bung ra nhằm siết chặt thị trường đã tạo thành cú hích lớn cho các đợt giảm giá nghiêm trọng.

Ngoài tác động của các cơ quan quản lý, một người mà từng là động lực đẩy giá thị trường tiền ảo lên những đỉnh ảo không tưởng, Elon Musk, thì lần này lại góp phần vào sự sụt giảm đáng ngại. CEO hãng xe điện thông báo rằng Tesla sẽ ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, vì lo ngại về tác động tới môi trường của việc khai thác, bất chấp trước đó chính ông cũng thông báo Tesla chấp nhận thanh toán bằng BTC.

Theo đó, rất chóng vánh, hơn 1 nghìn tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi thị trường dù tháng 5 chưa kết thúc. "May in Sale" của chứng khoán dường như đang ứng với thị trường tiền điện tử?

Thị trường còn... nhạy cảm

Dữ liệu từ Bybt chỉ ra, việc hàng trăm tỷ USD đổi chủ trên các công cụ phái sinh trong tuần này đã làm lu mờ hoạt động trên thị trường tiền mặt, khi các nhà đầu cơ đổ xô đóng các vị thế trong cuộc khủng hoảng.

Tâm lý nhạy cảm với thị trường có thể sẽ kéo dài cho đến khi mọi thứ ổn định trở lại...
Tâm lý nhạy cảm với thị trường có thể sẽ kéo dài cho đến khi mọi thứ ổn định trở lại...

Martin Green - Giám đốc điều hành tại Cambrian Asset Management, một quỹ tiền điện tử trị giá 150 triệu đô la Mỹ cho biết: “Việc bán tháo đã trở nên trầm trọng hơn bởi rất nhiều đòn bẩy. Bây giờ đòn bẩy vượt quá đã được thanh lý, chúng tôi đã thấy các khoản dài hạn và đòn bẩy bắt đầu được đặt lại một lần nữa”.

Tất cả cho thấy sức mạnh của thị trường phái sinh tiền điện tử, nơi hoạt động đã bùng nổ với sự gia tăng của các sàn giao dịch hàng tỷ đô, phục vụ cho Phố Wall và các nhà giao dịch bán lẻ. Chính sự biến động mạnh và lượng tiền lớn nằm trong các loại tiền kỹ thuật số là nguyên nhân thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý và các nhà chức trách.

Một nhà phân tích cho rằng, có vẻ như thị trường sẽ không đạt đến điểm đầu cơ, có nghĩa là mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều vốn bị ràng buộc trong các stablecoin và các nhà giao dịch đang đợi mọi thứ ổn định trước khi họ triển khai vốn trở lại.

Theo đánh giá của ông Đinh Hồng Sơn, CEO FinanceX, sự sụp đổ trong tuần của BTC và thị trường tiền điện tử nói chung cho thấy một điều là tiền điện tử luôn có thể bị bốc hơi ở bất kỳ thời điểm nào. Không có sự chắc chắn nào được khẳng định trong thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng rất rủi ro này.

Khi tiền điện tử đang trong đà tăng chưa từng thấy thì chỉ một vài nguồn tin tiêu cực từ truyền thông như Trung Quốc hay Tesla, thị trường đã bối hơi mạnh, nó khẳng định sự nhạy cảm của tiền điện tử với truyền thông và sự ảnh hưởng của người nổi tiếng.

“Những ai đang là tín đồ của tiền điện tử, hiểu bản chất của Crypto và Blockchain thì sẽ luôn coi những “cú sập” này chỉ là “tức thời” và luôn tin tưởng vào tính dài hạn, phát triển bền vững của thị trường này. Quay trở lại năm 2020, giá trị vốn hoá của thị trường chỉ là 500 tỷ USD, thì năm 2021 đã đạt mức 2.600 tỷ USD (gấp hơn 5 lần), kể cả khi sập 50% thì giá trị vốn hoá vẫn là 1.600 tỷ USD. Còn những ai chỉ là các “trader” thuần tuý, có thể đây sẽ là cú sốc lớn và thị trường sẽ mất đi một lượng lớn người tham gia trong một thời gian dài, trước khi bình tâm quay trở lại”, ông Đinh Hồng Sơn vẫn nhận định.

Thực tế với sự phát triển và thành quả được coi là “kỳ diệu” của các dự án DeFi vừa qua như Dfinity hay UniSwap, thì sự biến động của bitcoin hay altcoin suy cho cùng cũng chỉ là sóng thông thường với biên độ lớn bất thường. Thị trường tiền điện tử trước mắt, vẫn còn luôn ở đó.