IMF sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong tiến trình thúc đẩy hình thành Kho bạc số
Sáng 30/7, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng đã có cuộc tiếp và làm việc với ông Sandeep Saxena – Phó Trưởng phòng Quản lý tài chính công, Vụ Tài khoá, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng Đoàn chuyên gia của IMF.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng bày tỏ cảm ơn phía IMF đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo tăng cường năng lực cho Bộ Tài chính Việt Nam. Đó là những hỗ trợ thiết thực, phù hợp với nhu cầu, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Theo Thứ trưởng, đợt làm việc này của IMF tại Việt Nam đã gặt hái được nhiều nội dung tích cực. Đoàn đã có những buổi làm việc, trao đổi, thảo luận chuyên sâu, tập trung đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021-2030. Nhờ đó, IMF đã nêu rõ những nội dung tích cực trong hoạt động của KBNN Việt Nam.
“Đây là những đánh giá rất sát, là bức tranh rất khách quan của hoạt động ngành Tài chính nói chung và KBNN Việt Nam nói riêng”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng nhấn mạnh.
Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến đánh giá, khuyến nghị của Đoàn chuyên gia IMF liên quan đến tình hình thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Đoàn đã đưa ra những nhìn nhận khách quan, đa chiều về kết quả, thực trạng thực hiện Chiến lược. Trên cơ sở đó, chỉ ra các vấn đề cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện Chiến lược tài chính đến năm 2030 và các chiến lược nhánh, trong đó có Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo định hướng của Chính phủ và Bộ Tài chính, đối với giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển KBNN đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng kho bạc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hướng tới đến năm 2030 hình thành Kho bạc số. Trong quá trình cải cách, Bộ Tài chính rất quan tâm những đóng góp của chuyên gia, đặc biệt chuyên gia của các tổ chức quốc tế như IMF hướng đến thông lệ tốt trên thế giới.
Vì vậy, trên cơ sở khuyến nghị của IMF, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo KBNN và các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, tiếp thu. Thứ trưởng đề nghị IMF tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trực tiếp KBNN triển khai các nhiệm vụ trọng tâm đã xác định trong Chiến lược để hướng tới mục tiêu “làm nhanh, làm mạnh mẽ nhưng phải bền vững theo đúng chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam”.
Thứ trưởng nêu rõ, mục tiêu đề ra từ phía Việt Nam và mong muốn của IMF đều cùng hướng đến mục đích phát triển quản lý hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đề ra giải pháp khả thi và hiệu quả nhất để minh bạch nền tài chính quốc gia, vì mục đích phục vụ người dân.
Liên quan đến nội dung quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn, Thứ trưởng chỉ rõ, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Đây là mục tiêu rất rõ ràng và Việt Nam cần nguồn tài chính lớn để triển khai. Thứ trưởng mong muốn IMF sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ phía Việt Nam hướng tới đảm bảo huy động vốn an toàn.
"Hai bên sẽ ngày càng hợp tác sâu sắc, chặt chẽ hơn, tiếp tục có những trao đổi cụ thể hơn nữa để làm rõ các vấn đề cùng quan tâm. Từ đó đi đến thống nhất về nhận thức, đặc biệt là thống nhất đưa ra những giải pháp, khuyến nghị phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận được những thông lệ tốt của quốc tế”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng bày tỏ tin tưởng.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Sandeep Saxena – Phó Trưởng phòng Quản lý tài chính công (Vụ Tài khoá, IMF) nêu rõ, sau thời gian trao đổi phân tích, IMF nhận thấy mục tiêu phấn đấu trở thành kho bạc hoạt động hoàn toàn trên môi trường số của Việt Nam là mục tiêu thực tế và hoàn toàn có khả năng đạt được.
Khẳng định sự tin tưởng đối với việc hoàn thành mục tiêu của Việt Nam, ông Sandeep Saxena nhấn mạnh, KBNN đã đạt được những bước tiến lớn trên hành trình hiện thực hoá tầm nhìn. Rất nhiều mảng công tác mà KBNN đã gần như hoàn thiện, đạt được mức độ phát triển cao. Điển hình như: Thanh toán, chi trả ngân sách kịp thời; Tập trung nguồn thu nhanh chóng; Xử lý giao dịch tập trung; Thông tin thời gian thực về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách; Hợp nhất số dư ngân quỹ...
“Đây chính là những mặt công tác mà KBNN làm rất tốt trên hành trình hiện thực hoá KBNN số, qua đó đóng góp nhiều vào tăng cường hiệu quả khu vực tài chính công, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam”, đại diện Đoàn chuyên gia của IMF bày tỏ tin tưởng.
Tuy nhiên, IMF cũng đưa ra những nội dung mà Việt Nam còn nhiều dư địa cải thiện và cần tiếp tục thúc đẩy tiến bộ nhanh hơn như: Hài hoà hơn nữa các chế độ kế toán công; Tăng cường tính kịp thời và mức độ chi tiết các báo cáo quyết toán ngân sách… Đồng thời, từ việc chỉ ra những bước tiến lớn của phía Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu kho bạc số cũng như những nội dung cần tiếp tục cải thiện, IMF đưa ra khuyến nghị cụ thể với 5 ưu tiên cải cách chính: Xây dựng hệ thống VDBAS; Cải cách kế toán đồ; Tiếp tục hoàn thiện quản lý thu, chi ngân sách qua phương thức điện tử; Hợp lý hoá và tự động hoá các kiểm soát; Cải thiện tính kịp thời và toàn diện các báo cáo tài chính.
Đại diện IMF khẳng định thời gian tới sẽ “sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính, KBNN trong thực hiện các ưu tiên cải cách này, giúp tạo giá trị gia tăng hơn nữa cho KBNN”.
Tại cuộc làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã trao đổi làm rõ những nội dung mà IMF đề cập. Các đơn vị đều đánh giá cao và bày tỏ vui mừng trước những hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của IMF đối với Việt Nam cũng như ngành Tài chính Việt Nam, đặc biệt trong hỗ trợ KBNN trên tiến trình triển khai Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.