Indonesia tăng lãi suất cơ bản


Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, từ mức 5,25% lên 5,5% - mức cao nhất kể từ tháng 8/2019 nhằm duy trì ổn định và thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Indonesia vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Ảnh: Bloomberg
Ngân hàng Trung ương Indonesia vừa quyết định tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2019. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù lạm phát ở Indonesia đã giảm nhẹ từ mức 5,71% vào tháng 10/2022 xuống 5,42% vào tháng 11/2022, lạm phát hiện tại vẫn cao hơn mức mục tiêu từ 2-4% do BI đề ra.

Thống đốc BI Perry Warjiyo cho biết, việc tăng lãi suất được thực hiện để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm. BI sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ vào năm tới để đảm bảo ổn định kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dự kiến suy giảm vào năm 2023.

Ông Warjiyo nhận định, nền kinh tế Indonesia vẫn ổn định nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu hàng hóa mạnh mẽ, trong khi một số lĩnh vực kinh tế bao gồm sản xuất cũng như thương mại bán buôn và bán lẻ cũng ghi nhận sự tăng trưởng. 

Ông Warjiyo bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng trưởng 4,5%-5,3% trong năm 2023 và 4,7%-5,5% trong năm 2024.

Đề cập về vấn đề lạm phát, Thống đốc  BI Perry Warjiyo nhấn mạnh, lạm phát lõi sẽ giảm về mức mục tiêu 3%+-1% trong nửa đầu năm 2023.

Ông Warjiyo cũng đảm bảo rằng tỷ giá hối đoái của đồng Rupiah sẽ được duy trì và củng cố vào năm 2023 nếu tình trạng hỗn loạn toàn cầu dần được cải thiện. Dự báo, đồng Rupiah sẽ được duy trì nhờ các nền tảng kinh tế tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp và lợi suất trái phiếu Chính phủ hấp dẫn. Chính sách ổn định giá trị đồng Rupiah trước áp lực toàn cầu cũng được BI nhắm mục tiêu nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định hệ thống tài chính và nền kinh tế vĩ mô.

Theo Thống đốc Warjiyo, năm 2024, lạm phát dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,5%. Sự ổn định kinh tế đối ngoại sẽ vẫn được kiểm soát, với thặng dư tài khoản vãng lai đạt 0,2%, thâm hụt ngân sách ở mức 0,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trước đó, Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) của Indonesia công bố báo cáo cho biết, tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong quý III/2022 đạt 5,72% so với mức 5,44% của quý trước. Đây cũng là mức tăng GDP mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn so với dự báo tăng trưởng 5,5% trước đó của BI nhờ xuất khẩu tiếp tục tăng cao.

Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Trung ương Philippines ngày 15/12 vừa qua cũng tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% lên mức 5,5%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2009. Vào tháng 11/2022, Ngân hàng Trung ương Malaysia tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp, thêm 0,25% lên mức 2,75%./.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn