ISO 5600 - "Thẻ kim bài" giúp các doanh nghiệp thiết lập nền tảng để đổi mới sáng tạo
Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới sáng tạo, cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới sáng tạo có hệ thống.
Đổi mới sáng tạo, phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng và phát triển
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ phát triển hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện hoạt động đổi mới.
Đổi mới sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. Nhưng với ISO 56000, bộ tiêu chuẩn này khiến cho các doanh nghiệp suy nghĩ nghiêm túc hơn và toàn diện hơn về hoạt động quản lý đổi mới, sáng tạo.
ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới với các hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như: đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh…
ISO 56000 cũng cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường…
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 và tiếp tục ban hành gồm các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để đạt được mục tiêu quản lý đổi mới, các doanh nghiệp cần phân tích những năng lực cốt lõi của họ trong năm lĩnh vực sau: chiến lược; văn hóa; quá trình; công cụ và kỹ thuật; thước đo.
ISO 56000 sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu quản lý đổi mới thông qua việc cải thiện khả năng quản lý cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp; nâng cao doanh thu, lợi nhuận cũng như năng lực và khả năng cạnh tranh với đối thủ; tối ưu năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí và chất thải; củng cố và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, đối tác cùng các bên liên quan khác; nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp; mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển ra các thị trường mới trên trường quốc tế; tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu.
Việc xây dựng một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt là điều rất quan trọng, không chỉ để tuân thủ mà còn đảm bảo rằng những ý tưởng tốt nhất luôn được nuôi dưỡng và thực hiện đúng cách. Một hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo tốt sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quản lý chiến lược đổi mới của họ để họ có thể kết nối, xử lý các con số và lập kế hoạch ra mắt sản phẩm mới sao cho không bị thất bại.
8 nguyên tắc cốt lõi
Theo các chuyên gia, cần lưu ý rằng không có 1 mô hình hay hệ thống công việc nào có thể đảm bảo sự thành công tuyệt đối, vì vậy, doanh nghiệp chỉ nên coi bộ tiêu chuẩn ISO 56000 nói riêng và các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác nói chung như một giải pháp hữu ích nhằm tối đa hóa xác suất đạt được thành công.
Để quản lý đổi mới sáng tạo được xây dựng và triển khai một cách hiệu quả, phù hợp với các yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO 56000, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ theo 8 nguyên tắc cốt lõi: nguyên tắc hiện thực hóa giá trị; nguyên tắc tầm nhìn tương lai của nhà lãnh đạo; nguyên tắc định hướng chiến lược; nguyên tắc văn hóa đổi mới sáng tạo; nguyên tắc khai thác tri thức; nguyên tắc quản lý rủi ro; nguyên tắc khả năng thích ứng; nguyên tắc phương pháp tiếp cận hệ thống.
Đồng thời, để việc triển khai IMS có hiệu quả, sự cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo là đặc biệt cần thiết. Đây cũng chính là yếu tố giúp thúc đẩy khả năng đổi mới sáng tạo, văn hóa hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tại hội thảo “Bứt phá về năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa được tổ chức, TS. Nguyễn Đăng Minh - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị công nghệ, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Chủ tịch Viện Quản trị tinh gọn GKM, Công ty TNHH GKM Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới sản phẩm chủ lực của người Việt là gì, cần tìm những thứ mạnh made by Việt Nam. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo rất cần thiết để có thể tăng năng suất.
Được biết, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động và phát triển trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Để nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thích ứng và bắt nhịp với sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới là thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu xây dựng mô hình điểm, dẫn dắt hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư, tạo thêm việc làm mới, thị trường mới góp phần nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương.