Kê biên, xử lý tài sản của hộ gia đình trước hay sau?
Việc kê biên, xử lý tài sản của hộ gia đình đang thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thi hành án của thành viên hộ gia đình, nhất là khi tài sản bảo đảm thi hành án là nơi ở duy nhất của các đồng sở hữu đang là một trong những vướng mắc trong công tác thi hành án ở nhiều địa phương.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự (thi hành án dân sự), trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thi hành ány sau khi thi hành thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 1 năm.
Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật. Quy định này, nhằm bảo đảm quyền có chỗ ở hợp pháp, cũng như trật tự - an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định việc có trích tiền thuê nhà cho người thứ 3 đã dùng nhà ở duy nhất của mình để bảo đảm cho người phải thi hành án vay tài sản đã được tòa án tuyên trong bản án, quyết định, nên không ít cơ quan thi hành án dân sự rơi vào tình trạng lúng túng, không biết áp dụng như thế nào.
Hiện có hai quan điểm đối với việc xử lý trước hay sau quyền lợi của bên thứ 3. Quan điểm thứ nhất cho rằng, chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản trước (kê biên toàn bộ tài sản chung) rồi mới thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án; hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu tòa án phân chia tài sản, việc xử lý tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của tòa án.
Ngược lại với quan điểm trên, quan điểm thứ 2 cho rằng, chấp hành viên thực hiện việc thông báo cho đồng sở hữu chung để thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia tài sản, thông báo cho người được thi hành án hoặc chấp hành viên sẽ yêu cầu tòa án phân chia tài sản. Chấp hành viên chỉ ra quyết định kê biên tài sản của người phải thi hành án khi có quyết định của tòa án về việc xác định phần sở hữu của người phải thi hành án.
Có thể thấy, mỗi một cách lý giải đều có những thuận lợi, vướng mắc riêng. Cụ thể, nếu chấp hành viên áp dụng việc kê biên tài sản trước thì sẽ bảo đảm được thứ tự ưu tiên thi hành thanh toán tiền thi hành án; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc thi hành án, tránh tình trạng các đương sự lợi dụng việc chưa xác định được phần tài sản của người phải thi hành trong khối tài sản chung để trốn tránh hoặc kéo dài thời gian thi hành án.
Tuy nhiên, để thực hiện việc kê biên tài sản chung trước rồi mới thông báo cho các đồng sở hữu thì chấp hành viên phải thu hồi quyết định kê biên đã ban hành và ra quyết định kê biên mới tương ứng với phần tài sản còn lại của người phải thi hành án. Việc phải thu hồi quyết định kê biên có thể sẽ dẫn đến đơn thư khiếu nại phức tạp hoặc thậm chí yêu cầu bồi thường.
Với cách giải quyết trên, chấp hành viên có thể sẽ đối diện với những rắc rối phát sinh thì ở quan điểm thứ 2 những vấn đề này sẽ không xảy ra. Bởi, về bản chất, thỏa thuận tài sản giữa các đồng sở hữu là thỏa thuận dân sự, chấp hành viên không thể lấy phần tài sản riêng của người không phải thi hành án để kê biên.
Hơn nữa, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định, phải xác định phần sở hữu của người phải thi hành án rồi mới thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo cách này thì quyền lợi của bên thứ 3 không được bảo đảm, và thứ tự ưu tiên thanh toán trong thi hành án dân sự lại không thực hiện được.
Từ thực tế này, Tổng cục thi hành án dân sự cần sớm có hướng dẫn cụ thể; đồng thời rà soát các nội dung chưa thống nhất để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự.