Kế toán viên và kỹ năng cần thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Tính phổ biến của công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp đã làm thay đổi bản chất của hoạt động kế toán và vai trò của người kế toán với các kỹ năng mới.
Nội dung đào tạo nghề kế toán, vì vậy, phải thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các nghiên cứu trong 10 năm gần đây (2010-2019) được xem xét, phân tích, tổng hợp trong bài viết này để rút ra những thông tin quan trọng làm cơ sở cho việc cải tiến nội dung đào tạo nghề Kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp hiện nay.
Giới thiệu
Cách mạng công nghiệp (CMCN) nói chung và CMCN lần thứ 4 đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển công nghệ đã tạo ra những thay đổi tích cực, mạnh mẽ về mặt bản chất của các hoạt động kế toán, kiểm soát và kiểm toán. Những thay đổi này đồng thời làm thay đổi vai trò của người làm kế toán, đòi hỏi họ phải có những kỹ năng mới, cũng là cơ hội và thách thức đối với việc đào tạo kế toán, kiểm toán.
Để tìm hiểu vấn đề này, bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu là phương pháp phổ biến trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (McCulloch, 2004). Phương pháp này được tiến hành qua các bước: thu thập, phân loại tài liệu; phân tích, tổng hợp tài liệu và tóm tắt khoa học.
Cụ thể, căn cứ vào vấn đề nghiên cứu và xuất phát từ giả thiết khoa học, tác giả tiến hành xác định nguồn tài liệu trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề nghiên cứu, tìm kiếm và lựa chọn những tài liệu cần thiết trong 10 năm gần đây nhất - thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng công nghệ để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu: Vai trò của người làm công tác kế toán thay đổi như thế nào trong thời đại công nghệ? Kế toán viên cần trang bị những kỹ năng nào theo định hướng công nghệ?
Vai trò của kế toán viên trong thời đại công nghệ
Việc áp dụng công nghệ trong kế toán tác động đến người lao động trong ngành này từ 2 góc độ: Giảm bớt nhu cầu công việc giản đơn, tăng nhu cầu các công việc phức tạp và đa dạng, bao gồm chuyển đổi dữ liệu, xác nhận thông tin đầu ra, phân tích thông tin đầu ra, tư vấn, ra quyết định và quản trị rủi ro.
Kế toán là dịch vụ có lịch sử lâu đời dựa vào việc sử dụng nhiều nhân lực. Việc áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt công nghệ như trình ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và tự động hóa (RPA) có thể giúp hoàn tất chỉ trong vài giờ những công việc đơn giản, lặp đi lặp lại với chất lượng công việc ổn định hơn, trong khi người làm trước kia có thể mất vài tuần để làm (Kruskopf et al., 2019; Zhou, 2017). Vì vậy, việc áp dụng công nghệ sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu tuyển dụng nhân viên ở vị trí thấp, khởi điểm. Nó sẽ lấy đi cơ hội học hỏi của nhiều sinh viên tốt nghiệp, vì không có nhiều công việc phù hợp đang chờ đợi họ.
Do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) ước tính, số lượng tuyển dụng mới mỗi năm có thể giảm một nửa, điều này thay đổi đáng kể kết cấu tuyển dụng của ngành Kế toán (Agnew, 2016). Ước tính rằng, ít nhất 50% công việc mà kế toán viên và các chuyên gia khác được trả tiền là có thể tự động hóa thông qua các công nghệ hiện có, với 15% tự động hóa thông qua các công nghệ sắp tới (Kokina & Davenport, 2017).
Ở góc độ ngược lại, kế toán có nhiều cơ hội trải nghiệm những công việc mới để hỗ trợ máy móc trong việc kết nối xuất nhập, chuyển đổi dữ liệu giữa các phần hành máy tính khác nhau, đảm bảo an ninh máy tính hoặc những công việc đòi hỏi sử dụng tư duy, trí óc ở mức độ cao máy móc không thể làm được như xác nhận tính đúng đắn, chính xác của thông tin đầu ra.
Chẳng hạn, Công ty kiểm toán EY sử dụng NLP trong việc xem xét các chuẩn mực kế toán cho thuê trong trường hợp các quy định mới đối với hoạt động cho thuê được ban hành. Trước đây, Công ty mất rất nhiều thời gian kiểm tra xem xét hàng chục ngàn hợp đồng có được xử lý kế toán có đúng với quy định mới. Hiện tại, NLP thực hiện việc này nhanh hơn rất nhiều và con người chỉ phải xác nhận kết quả từ thông tin được máy trích xuất tự động (Kruskopf et al., 2019; Zhou, 2017).
Khi máy móc đảm nhận các công việc xử lý đơn giản, mất nhiều thời gian, vai trò của kế toán viên đã chuyển mạnh mẽ từ xử lý giao dịch sang phân tích kinh doanh. Kế toán viên có thể tập trung nhiều thời gian hơn vào việc phân tích dữ liệu đầu ra để hiểu bức tranh tổng thể được vẽ nên bởi dữ liệu, hiểu rõ hơn về tính đáng tin cậy của dữ liệu, các giả định của chúng, xác định và đánh giá xu hướng, mô hình và các trường hợp ngoại lệ của tổng thể dữ liệu (Kokina & Davenport, 2017; Kruskopf et al., 2019). Nhờ khả năng tốt hơn của máy tính, kế toán sẽ được cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn, chính xác hơn và tổng quát hơn cho toàn bộ quần thể dữ liệu, giúp cho các chuyên gia kế toán, kiểm toán có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn khi thực hiện phân tích (Marr, 2018).
Không chỉ dừng lại ở mức độ phân tích, chuyên gia kế toán còn được kỳ vọng là các thành viên tư vấn cho chiến lược doanh nghiệp, cho sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai (Akhter & Sultana, 2018; Shurina, 2019). Kế toán quản trị được kỳ vọng đề xuất các biện pháp giảm chi phí, thiết lập các tiêu chuẩn đo lường, cải thiện quy trình làm việc... Họ không chỉ báo cáo về tình hình kinh doanh mà phải báo cáo cả rủi ro và hơn nữa, phải đề xuất giải pháp quản lý rủi ro.
Những năng lực kế toán cần thiết theo định hướng công nghệ
Dưới tác động của việc áp dụng các tiến bộ công nghệ, nhu cầu tuyển dụng chuyên gia kiểm toán hiện tại rất cao cho những vai trò mới (Zhang, Dai, & Vasarhelyi, 2018). Để đảm nhiệm tốt những vai trò này, kế toán tương lai đòi hỏi phải có kỹ năng kế toán công nghệ (Zhang et al., 2018), nghĩa là ngoài những năng lực về kế toán và đạo đức như thường thấy, kế toán viên cần phải có thêm những năng lực khác như: hiểu biết về các công nghệ đột phá, kỹ năng phân tích, các kỹ năng cá nhân và tư duy.
Hiểu biết về các công nghệ đột phá
Để có thể khai thác giá trị của công nghệ trong việc thu thập, lưu trữ, xử lý và truy xuất dữ liệu; tổng hợp dữ liệu giao dịch cho việc lập báo cáo tài chính và phân tách dữ liệu để lập các báo cáo đột xuất, người làm kế toán cần phải có một hiểu biết nhất định về các công nghệ đột phá như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, ngôn ngữ báo cáo kinh doanh.
Kế toán có thể không chịu trách nhiệm lập trình công nghệ nhưng họ sẽ chịu trách nhiệm theo dõi và xác định xem liệu các công nghệ này có thực hiện hiệu quả hay không. Ngoài ra, một hiểu biết vừa đủ về công nghệ sẽ giúp kế toán có thể hiểu và có thể truyền đạt ý nghĩa của dữ liệu với các đối tác, khách hàng...(Drew, 2018). Shurina (2019) cho rằng, nhân viên kế toán, kiểm toán càng chủ động học về công nghệ đột phá càng có nhiều khả năng thành công.
Kỹ năng phân tích
Để có thể sử dụng được những dữ liệu đầu ra từ các công nghệ đột phá, kế toán cần tập trung sức mạnh não bộ để phân tích thông tin đầu ra trong hoàn cảnh thực tế, đưa ra những ý tưởng mới, giải pháp mới mang lại giá trị trực tiếp cho doanh nghiệp, khách hàng. Để làm được điều này, Zhang et al. (2018) cho rằng, người làm kế toán, kiểm toán cần phải được trang bị những hiểu biết và khả năng phân tích trong môi trường công nghệ bao gồm: Hiểu biết về hệ thống thông tin tích hợp (ERP); logic lập trình; khả năng trực quan hóa dữ liệu; lập mô hình phân tích; biết sử dụng các công cụ trích xuất chuyển tải dữ liệu; khả năng khai thác văn bản; biết sử dụng phần mềm kiểm toán và am hiểu hệ thống pháp luật.
Hệ thống thông tin tích hợp ERP là một loại giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng, đa phòng ban giúp một doanh nghiệp, một tổ chức có thể sử dụng để thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu từ hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm lập kế hoạch về sản phẩm, chi phí, sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, tiếp thị và bán hàng, giao hàng và thanh toán, kế toán... (Almajali, Masa'Deh, & Tarhini, 2016). Như vậy, hệ thống thông tin kế toán là một tập hợp con của hệ thống thông tin tích hợp ERP.
Hầu hết dữ liệu kế toán hiện có nguồn gốc từ các hệ thống khác trong ERP là nơi tập trung chính vào việc nắm bắt và lưu trữ dữ liệu về quy trình kinh doanh. Vì kế toán chỉ là một phần của hệ thống thông tin của doanh nghiệp ERP, định dạng của nó phần lớn được xác định theo sự tương thích với của các phần còn lại của hệ thống (Romney, Steinbart, Mula, McNamara, & Tonkin, 2012), do đó, người làm kế toán, kiểm toán cần phải có sự hiểu biết về các mối liên kết của cả hệ thống thông tin ERP này, để nắm bắt được quy trình nhập, xuất dữ liệu giữa các hệ thống thành phần.
Kỹ năng cá nhân và tư duy
Công nghệ được sử dụng để giảm các công việc kế toán nhưng không thể thay thế được yêu cầu về các kỹ năng con người như giao tiếp, giải quyết vấn đề, hợp tác và đồng cảm để phối kết hợp giữa mọi người trong tương tác với máy móc (Kokina & Davenport, 2017). Đặc biệt, vì kế toán chỉ là một phân hệ thông tin trong cả hệ thống thông tin, kế toán cần phải làm việc tương tác với nhiều bộ phận khác nhau, kể cả khách hàng, nhà cung cấp để phối kết hợp trong việc chuyển đổi, truy xuất dữ liệu.
Để có những phân tích và tư vấn có hiệu quả, mang lại giá trị thực sự, kế toán viên cũng cần phải thấu hiểu người sử dụng thông tin và các bên liên quan. Ở mức độ đơn giản hơn, kế toán viên cần có khả năng giao tiếp tốt để có thể chia sẻ kết quả phân tích của mình cho mọi người, hỗ trợ người sử dụng thông tin khi họ gặp vấn đề về công nghệ liên quan đến hệ thống...
Công ty kiểm toán EY tổng hợp những kỹ năng cá nhân cần có để kết nối với mọi người trong tương tác với công nghệ bao gồm: Kỹ năng thích nghi, nhanh nhạy; kỹ năng kết nối khách hàng và truyền thông; kỹ năng gây thiện cảm; kỹ năng trình bày; kỹ năng sử dụng ngôn ngữ hoặc hành vi không gây bất lợi hoặc phân biệt đối xử và kỹ năng lãnh đạo (Zhang et al., 2018). Zhang et al. (2018) tin rằng, kỹ năng của con người ngày càng quan trọng hơn trong thời đại công nghệ mạnh mẽ và có sức lan tỏa.
Kết luận
Khi khối lượng công việc giản đơn của kế toán đã được giảm nhiều nhờ tiến bộ kỹ thuật, kế toán viên sẽ sử dụng nhiều thời gian hơn cho việc xét đoán, phân tích sáng tạo và các hoạt động tư vấn tài chính.
Do đó, ngoài kỹ năng kế toán và yêu cầu đạo đức hiện tại, các kế toán viên cần phải có thêm sự hiểu biết về các công nghệ đột phá, kỹ năng phân tích và các kỹ năng cá nhân trong tương tác với các đối tác. Hoạt động đào tạo kế toán nên cân nhắc đến sự thay đổi vai trò, và những năng lực cần thiết cho những vai trò mới này để có những thay đổi phù hợp trong nội dung đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Thị Thu Oanh (2018), Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;
2. Đoàn Thị Hồng Thịnh, Nguyễn Thị Huyền (2018), Phát triển lĩnh vực kế toán – kiểm toán trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;
3. Abdolmohammadi, M. J. (1999), A comprehensive taxonomy of audit task structure, professional rank and decision aids for behavioral research, Behavioral Research in Accounting, 11, 51;
4. Bloom, R. (2002), Accounting education: Charting the course through a perilous future, The Journal of Government Financial Management, 51(1), 58;
5. Brennan, B., Baccala, M., & Flynn, M. (2017), Artificial intelligence comes to financial statement audits. CFO Newsletters, 2;
6. Drew, J. (2018), Merging accounting with'big data'science, Journal of Accountancy, 226(1), 48-52;
7. Hoffman, C. (2019), Accounting and Auditing in the Digital Age. In;
8. Kruskopf, S., Lobbas, C., Meinander, H., Söderling, K., Martikainen, M., & Lehner, O. (2019), Digital accounting: opportunities, threats and the human factor, ACRN Oxford Journal of Finance and Risk Perspectives, 8, 1-15;
9. Marr, B. (2018), The Digital transformation of accounting and finance– artificial intelligence, robots and chatbots, In: Retrieved fro m https://www.forbes. com/sites/bernardmarr/2018/06/01/the...;
10. Najjar, D. (2019), Is Artificial Intelligence (AI) the Future of Accounting.Viitattu, 24, 2019.