Kết nối để phát triển công nghiệp điện tử
Có tốc độ tăng trưởng mạnh những năm gần đây, song đến nay, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn chỉ sản xuất được những sản phẩm thô sơ và chủ yếu nhập khẩu từ các DN FDI.
Nếu không có hướng đi cụ thể, công nghiệp điện tử Việt Nam mãi chỉ là "thân phận gia công" trong khi thế giới đã phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 như vũ bão.
Hầu hết những DN điện tử lớn hàng đầu thế giới hiện đã có mặt tại Việt Nam như: Samsung, LG, Canon, Intel, Panasonic… Theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt công ty sản xuất linh kiện, phụ kiện, công nghiệp hỗ trợ, nhưng đa số đều là các nhà sản xuất được các DN FDI lớn kéo sang Việt Nam.
Vẫn sản xuất nhỏ lẻ
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng số DN hiện đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661, tuy nhiên, số lượng DN nội trở thành nhà cung cấp cho các DN FDI ngành điện tử chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Số liệu từ Samsung Việt Nam cũng xác nhận dù rất mong muốn tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam cho các sản phẩm công nghệ cao thông qua các chương trình kết nối và hỗ trợ các DN Việt, song trong hơn 200 DN cung ứng cấp 1 của Samsung hiện mới có 29 DN Việt Nam. Trong khi đó, tính đến hết năm 2017, mới có 279 DN Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn nhà cung cấp cấp 2.
Theo ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử tuy đã phát triển những năm gần đây, nhưng vẫn chủ yếu là sản xuất các linh kiện cơ khí, cao su… Còn các linh kiện bán dẫn, điện trở, chíp… vẫn chưa sản xuất được nên phụ thuộc lớn vào các DN FDI, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chỉ chiếm khoảng 30%.
Hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử hiện nay đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. DN sản xuất trong nước mới chỉ tham gia vào khâu hoàn thiện sản phẩm như các loại bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện chi tiết nhựa, sơn mà chưa vươn tới các linh kiện quan trọng có giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, quy mô DN công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam còn nhỏ và vừa, thiếu vốn, công nghệ và nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, phần lớn các DN Việt Nam đến thời điểm này còn gặp rất nhiều thách thức, rào cản trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.
Đẩy mạnh liên kết
Theo ông Suttisak Willanan, Phó Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex, sự hiểu biết của các DN Việt về DN FDI còn hạn chế chính là rào cản khiến DN FDI tìm "đỏ mắt" không được nhà cung ứng Việt.
Thậm chí, nhiều DN Việt chưa hiểu được hết những yêu cầu cụ thể của các DN nước ngoài, nên dù đã ký hợp đồng nhưng tình trạng "đứt gánh giữa đường" vẫn xảy ra.
Trên thực tế, đầu tư FDI và thương mại quốc tế là một trong những phương thức quan trọng giúp chuyển giao công nghệ và kiến thức quốc tế cho các DN trong nước.
Các DN FDI sẽ hỗ trợ công nghệ và kiến thức cho các DN nội, tạo điều kiện cho các DN này cạnh tranh sòng phẳng với các DN trong nước. Mặt khác, các DN FDI cũng mong muốn có các nhà cung ứng nội địa để tiếp sức, giảm chi phí.
Chính vì vậy, sự kết nối giữa DN FDI và DN nội sẽ có tác động lan tỏa, kết nối các DN trong và ngoài nước thành chuỗi cung ứng.
Một đại diện của Samsung Việt Nam cũng cho biết, DN này thường xuyên phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các triển lãm, hội thảo công nghiệp hỗ trợ nhằm tìm kiếm các DN nội địa.
Bên cạnh đó, Samsung cử chuyên gia Hàn Quốc giàu kinh nghiệm đến làm việc trực tiếp với các DN có tiềm năng được lựa chọn trong 3 tháng về các hoạt động cải tiến và chất lượng.
Gần đây nhất, Samsung phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo 200 tư vấn viên Việt Nam trong 2 năm (2018 – 2019). Đây sẽ là lực lượng nòng cốt giúp tư vấn, hỗ trợ các DN Việt Nam cải tiến chất lượng, năng lực sản xuất và từ đó có nhiều cơ hội hơn tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN toàn cầu.
Đại diện cho DN FDI, ông Suttisak Willanan cho biết nhiều công ty nước ngoài đang tích cực tạo cơ hội cho các DN Việt Nam trở thành một phần của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp điện tử thông qua các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh.
Nếu tận dụng được cơ hội, các DN Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn về công nghệ, tài chính, tìm kiếm khách hàng để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là nền tảng để các DN Việt Nam tiếp cận và kết nối được với các DN FDI. Nếu không tích cực đổi mới để kết nối với DN FDI, DN Việt Nam sẽ ngày càng khó cạnh tranh và chỉ mãi là "xưởng gia công" của thế giới", bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, nhận định.