Sẽ tích cực xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp FDI
Theo Nhóm công tác ngân hàng doanh nghiệp FDI của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Việt Nam cần sửa một số điều khoản trong hoạt động ngành ngân hàng để phù hợp hơn với hoạt động của các doanh nghiệp FDI, từ đó sẽ khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân.
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nirukt Sapru, Trưởng nhóm công tác ngân hàng đã nêu 4 vấn đề lớn còn tồn đọng tại VBF giữa kỳ 2018.
Thứ nhất, theo ông Nirukt Sapru, hiện nay, một số quy định của Luật Ngân hàng được ban hành dựa trên các luật cơ sở như Bộ luật Dân sự, gây khó khăn khi thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản cho đối tượng không phải là pháp nhân (theo Thông tư 32). Vì vậy, Nhóm công tác ngân hàng kiến nghị cần phải đồng bộ các luật để tạo điều kiện cho doanh nghiệp FDI hoạt động.
Thứ hai, quy định về bù trừ nghĩa vụ trong Luật Phá sản: Các vướng mắc này liên quan đến các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Kế toán, quy định về nộp thuế... “Những điều khoản này được sửa đổi theo hướng Việt Nam chưa trở thành một đầu mối thực hiện bù trừ cho các giao dịch tài chính sẽ giảm được chi phí vốn, tăng cường quản trị rủi ro cũng như giúp Chính phủ đẩy nhanh việc thực hiện định hướng phát triển thị trường phái sinh của Việt Nam”, ông Nirukt Sapru nói.
Thứ ba, quy định về nội dung chữ ký trên chứng từ điện tử. Theo đó, phải có chữ ký "tươi", chữ ký và nhận xét của kế toán trưởng trên các chứng từ kế toán. Quy định này ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa chủ thể với chủ thể và giải pháp sử dụng cổng thông tin điện tử giữa khách hàng và ngân hàng.
Thứ tư, Nhóm công tác ngân hàng kiến nghị về giải pháp phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền, điều chuyển vốn của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Ông Nirukt Sapru cho rằng: "Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hướng dẫn những bộ ngành liên quan khẩn trương giải quyết vấn đề này và Nhóm công tác ngân hàng sẽ sẵn sàng chia sẻ những thông lệ quốc tế và hỗ trợ khi cần thiết".
Trả lời những kiến nghị của Nhóm công tác ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, xu thế hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho ngành ngân hàng trong quá trình điều chỉnh và cải cách để tiến đến một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững và ổn định.
Trong bối cảnh đó, NHNN mong muốn tiếp tục nhận được ủng hộ, đồng hành từ cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác. NHNN sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các đối tác và sẽ tích cực, khẩn trương xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý của mình.
Trao đổi tại Diễn đàn VBF, Phó Thống đốc cho hay, 4 kiến nghị này liên quan đến các quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Kế toán, Luật Phá sản, quy định về nộp thuế... NHNN đã trao đổi và làm việc kỹ thuật với Nhóm công tác ngân hàng và đã thống nhất trong thời gian tới, Nhóm sẽ trao đổi, làm việc với các cơ quan, bộ ngành liên quan khác để giải quyết các vướng mắc, giải thích, làm rõ trách nhiệm của các bên, qua đó NHNN có cơ sở phối hợp với Nhóm để giải quyết dứt điểm các nội dung này.
Phó Thống đốc khẳng định: “NHNN đã hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với Nhóm công tác ngân hàng nhằm xử lý các vướng mắc, kiến nghị của Nhóm. Theo đó, NHNN đã lên kế hoạch xử lý đối với những vấn đề có thể xử lý ngay trong ngắn hạn. Tuy nhiên, có những vấn đề nếu nhìn từ góc độ quản lý ngành ngân hàng cần phải xem xét và cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống, hay có những vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác với các cơ quan bộ, ngành khác, nên trước mắt chưa thể có phương án xử lý dứt điểm những vấn đề này, NHNN cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác hiểu và chia sẻ khó khăn này với NHNN”.