Môi trường đầu tư kinh doanh: Nhìn từ khía cạnh quản lý đăng ký kinh doanh

Theo An Nhi/kinhtevadubao.vn

Theo dữ liệu tại Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, xét về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày).

Trong khu vực Đông Nam Á, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp của nước ta chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày). Nguồn: Internet
Trong khu vực Đông Nam Á, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp của nước ta chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày). Nguồn: Internet
Thủ tục gia nhập thị trường đơn giản và thuận lợi hơn
Trong thời gian qua, quy trình khởi sự kinh doanh tiếp tục được đơn giản hóa nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí gia nhập thị trường.

Kể từ năm 2017 đến nay, quy trình này bao gồm 8 bước: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, Làm con dấu doanh nghiệp, Thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, Mở tài khoản ngân hàng, Mua hóa đơn thuế VAT, Nộp thuế môn bài, Đăng ký lao động, Đăng ký bảo hiểm xã hội.

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy trình  này đã được hoàn thành trong khoảng 12 ngày làm việc, giảm 12 ngày so với năm 2016.

Trong số các thủ tục hành chính thuộc quy trình khởi sự kinh doanh, đăng ký thành lập doanh nghiệp là một thủ tục đã có những cải cách đáng kể.

Với mục tiêu tối đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo tinh thần của Hiến pháp, thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đã được tối giản hóa, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp và tuân thủ theo thông lệ của các nước môi trường kinh doanh tốt, đó là nguyên tắc: người thành lập doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm; cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp là tối đa 03 ngày làm việc.

Song, trên thực tế, theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thời gian trung bình để các tỉnh cấp đăng ký doanh nghiệp là 2,36 ngày làm việc; trong đó,  có trên 40 tỉnh thực hiện dưới 02 ngày.

Theo dữ liệu tại Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, xét về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong khu vực Đông Nam Á, nước ta chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày).

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được ứng dụng triệt để trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã giúp cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn.

Theo thống kê, tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử của cả nước đạt 58,44% (năm 2017 đạt 45,8%), riêng TP. Hà Nội đạt 99,66% và TP. Hồ Chí Minh đạt 62,18%, vượt xa các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP.

Đồng thời, kể từ ngày 20/01/2018, lệ phí đăng ký doanh nghiệp đã được giảm 50% so với quy định trước đây (từ 200.000 đồng xuống còn 100.000 đồng) và miễn 100% nếu doanh nghiệp đăng ký qua mạng điện tử.

Thông tin đăng ký doanh nghiệp được minh bạch hóa

Thời gian qua, Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngày càng khẳng định được vai trò, giá trị đối với xã hội thông qua sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng truy cập hàng năm.

Tính đến nay, theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tổng lượng truy cập vào Cổng Thông tin này đã đạt hơn 252 triệu lượt.

Dịch vụ cung cấp thông tin trên Cổng với các thông tin đa dạng đã góp phần minh bạch hóa môi trường kinh doanh thông qua việc tạo điều kiện để cộng đồng dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký doanh nghiệp, tăng khả năng giám sát của bên thứ ba đối hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những thông tin cần thiết đối với doanh nghiệp như Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh sách doanh nghiệp đã và đang giải quyết thủ tục phá sản và danh sách quản tài viên trên toàn quốc cũng được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đánh giá, việc minh bạch hóa những thông tin nói trên là cơ sở quan trọng để xây dựng nên một môi trường kinh doanh an toàn và cạnh tranh lành mạnh.

Công tác quản lý nhà nước sau đăng ký thành lập được tăng cường

Nhằm đảm bảo tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại các địa phương đã được chú trọng hơn.

Các phòng đăng ký kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc việc yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đối với những đơn vị kinh doanh vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp, chi nhánh bị thu hồi là hơn 57.000 trường hợp, cao gấp 10 lần so với năm 2016.

Điều này phần nào cho thấy rằng, khung khổ pháp lý thông thoáng, thuận lợi đã có nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trên cơ sở Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKH-BTC-BNV, hiện nay, đã có 60 địa phương ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Những điểm sáng trong bức tranh đăng ký kinh doanh 6 tháng đầu năm

Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là 508.542 lao động, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2018 đã có 21.377 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn (tăng 18,1% so với cùng kỳ 2017) với tổng số vốn tăng thêm là 1.192.223 tỷ đồng (tăng 38,8%).

Như vậy, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018 là 1.841.190 tỷ đồng (tăng 26,5%).

Thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, số lượng doanh nghiệp và số vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2014-2018.

Tín hiệu này cho thấy rằng khung khổ pháp lý thông thoáng, những giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương thực sự đã có tác động tích cực lên niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.