Kết quả 20 năm hợp tác Hải quan ASEAN

Theo customs.gov.vn

​Từ năm 1995, cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN, Hải quan Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp quan trọng trên lĩnh vực hợp tác hải quan và các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác có liên quan đến hải quan của ASEAN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những kết quả nổi bật

Cụ thể, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán, xây dựng và triển khai các cam kết hội nhập hải quan khu vực gồm: Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định và Nghị định thư xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư thực hiện Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN), Nghị định thư xây dựng Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN.

Đồng thời xây dựng và triển khai các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN cho 5 năm lần lượt trong các giai đoạn 1995-2000; 2000-2005; 2005-2010 và 2010-2015.

Hải quan Việt Nam cũng tham gia đàm phán và triển khai các cam kết hợp tác kinh tế liên quan đến hải quan nội khối ASEAN gồm: Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Kế hoạch Tổng thể thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chương trình Thuận lợi hóa thương mại ASEAN và các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các nước đối thoại gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc – New Zealand, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Những nỗ lực đóng góp của Hải quan Việt Nam đã đem đến một số kết quả nổi bật trong 20 năm qua, đặc biệt là mấy năm gần đây.

Cụ thể là đã xây dựng, đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định Hải quan ASEAN mới, được ký năm 2012 và có hiệu lực từ 7/11/2014, thay thế Hiệp định Hải quan ASEAN ký năm 1997. Hiệp định này tạo hành lang và cơ sở pháp lý toàn diện cho các hoạt động hợp tác và hội nhập của Hải quan ASEAN trong bối cảnh các hoạt động hợp tác kinh tế khu vực ngày càng sâu rộng và thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Thứ hai là xây dựng, đàm phán, ký kết và thực hiện Hiệp định và Nghị định thư xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) hướng tới ASW không chỉ xuất phát từ nhu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế nhằm tạo thuận lợi thương mại, phục vụ cho tiến trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà còn từ nhu cầu nội tại của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện cải cách hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Ngay sau thời điểm năm 2008, khi các văn kiện về việc xây dựng và thực hiện ASW có hiệu lực, Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý và quy trình thủ tục trong nước, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan để thực hiện NSW của Việt Nam.

Đến tháng 9/2015, Việt Nam đã công bố chính thức thực hiện NSW và cùng 4 nước ASEAN khác gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan sẵn sàng kết nối kỹ thuật với ASW vào tháng 12/2015.

Thứ ba là xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN thuộc Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Việc đàm phán Nghị định thư này bắt đầu từ những năm 2000 tuy nhiên tiến trình đàm phán bị gián đoạn do bất đồng quan điểm. Cùng với các nước, Việt Nam đã rất nỗ lực tham gia xây dựng dự thảo và đi đến thống nhất nội dung của Nghị định thư. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên hoàn tất thủ tục nội bộ trong nước để ký Nghị định thư này. Hiện tại, chúng ta cùng với các nước đang tiến hành thủ tục phê duyệt để Nghị định thư có hiệu lực.

Khi có hiệu lực và được triển khai, Nghị định thư 7 sẽ giúp xây dựng một cơ chế quá cảnh hải quan giữa các nước ASEAN thuận lợi hơn về mặt quy trình nghiệp vụ và cách thức thực hiện (thông qua hệ thống điện tử), tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các giao dịch thương mại quá cảnh.

Thứ tư, Việt Nam đã cùng các nước tham gia xây dựng, rà soát chuyển đổi Danh mục Biểu thuế Hài hòa ASEAN (AHTN) từ phiên bản 2002 sang 2007 và từ 2007 sang 2012 cũng như hoàn thành các thủ tục nội bộ trong nước để thực hiện các phiên bản chuyển đổi cập nhật phù hợp với Hệ thống hài hòa hóa (HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO).

Tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế về hải quan hiện đại

Trong tiến trình hợp tác và hội nhập hải quan ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm trong việc thực thi đầy đủ, đúng tiến độ các cam kết hội nhập nội khối và ngoại khối. Nỗ lực đó được các nước ghi nhận và đánh giá cao.

Những dự án như triển khai NSW và ASW cũng mở ra cơ hội đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan và quản lý biên giới. Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hồ sơ chứng từ, rút ngắn thời gian và giảm chi phí giao dịch, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Quá trình hợp tác ASEAN với những cam kết mang tính ràng buộc đã tạo điều kiện cho Hải quan Việt Nam tiếp cận được với những tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về Hải quan hiện đại, góp phần vào quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật hải quan, cụ thể là Luật Hải quan sửa đổi và các quy định liên quan. Đồng thời Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và hải quan các nước.

Trong thời gian tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai các cam kết đã có, đặc biệt là các cam kết hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Sáng kiến kết nối ASEAN gồm thực hiện NSW và ASW, thực hiện hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các định hướng hợp tác cho giai đoạn mới một cách sắc nét và cụ thể hơn nhằm đạt hiệu quả thực chất.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật, hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực để tăng cường năng lực thực hiện cam kết hợp tác trong ASEAN.

Hải quan Việt Nam cũng sẽ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về những lợi ích cũng như khó khăn thách thức trong quá trình hội nhập hải quan ASEAN, huy động sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình này.