Kho bạc Nhà nước:
Kết quả nổi bật trong cải cách hành chính
Trong những năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện cải cách hành chính (CCHC) thường xuyên, liên tục và đã đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của ngành Tài chính.
Những kết quả nổi bật
Với phương châm “lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị cũng như trong cung cấp dịch vụ công của KBNN”, thời gian qua, cùng với quá trình chuyển đổi số, hệ thống KBNN triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh CCHC trong 6 lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
KBNN đã tập trung nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của KBNN (Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Kế toán, Luật Quản lý nợ công; các nghị định hướng dẫn: Nghị định số 24/2016/NĐ- CP ngày 05/4/2016 quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/03/2017 quy định về báo cáo tài chính nhà nước, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và các thông tư hướng dẫn thực hiện). Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho việc cải cách, hiện đại hóa các chức năng, nhiệm vụ của KBNN.
Hệ thống KBNN đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục
hành chính theo hướng vừa lấy khách hàng là trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Công tác thu NSNN với việc triển khai Dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan - KBNN”; tổ chức phối hợp thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với các ngân hàng thương mại (NHTM); triển khai xây dựng mã định danh khoản thu... đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong tổ chức thu NSNN; góp phần tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Trong khi đó, quy trình, thủ tục kiểm soát chi NSNN được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát (từ 07 ngày xuống còn 03 ngày làm việc đối với các khoản chi đầu tư; 01 ngày làm việc đối với các khoản chi thường xuyên và các khoản chi thanh toán trước, kiểm soát sau); phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình chi NSNN; thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro; kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi; cơ chế kiểm soát cam kết chi từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với thông lệ quốc tế, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng.
Việc sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp; công khai, minh bạch quá trình giải quyết hỗ sơ TTHC và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử. KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành cung cấp 100% thủ tục qua DVCTT mức độ 4; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN...
KBNN đã nghiên cứu triển khai và vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) lớn như: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); hệ thống Kiểm soát chi đầu tư; hệ thống DVCTT; hệ thống Thanh toán điện tử tập trung; hệ thống Kết nối thu NSNN giữa KBNN với NHTM và các cơ quan quản lý thu; hệ thống Tổng kế toán; hệ thống Quản lý ngân quỹ; hệ thống Quản lý trái phiếu và các hệ thống quản lý nội bộ khác...
Từ đó, giúp KBNN nâng cao năng lực quản trị, giảm các thao tác thủ công, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Đến nay, KBNN đã cơ bản hình thành Kho bạc điện tử - các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng CNTT hiện đại và Kho bạc "03 không": không chứng từ giấy, không khách giao dịch trực tiếp, không giao dịch tiền mặt tại trụ sở Kho bạc.
Để thực hiện CCHC đạt hiệu quả, tổ chức bộ máy của KBNN được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược, lộ trình cải cách và hiện đại hóa hoạt động KBNN. Từ năm 2015 đến nay, hệ thống KBNN đã cắt giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường Nghiệp vụ Kho bạc), 260 phòng, 73 KBNN cấp huyện, gần 2.000 tổ thuộc KBNN cấp huyện; giảm 650 vị trí lãnh đạo cấp phòng, hơn 2.600 công chức lãnh đạo cấp tổ. Dưới sự chỉ đạo của KBNN Trung ương, tại các KBNN địa phương đã thực hiện nhiều cải cách, đưa đến sự thuận lợi và hài lòng cho khách hàng và đơn vị giao dịch.
Với những kết quả đạt được về CCHC, trong năm 2022 KBNN tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trong số các đơn vị thuộc khối tổng cục thuộc Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác CCHC. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN trong năm 2022 đạt tỷ lệ 94,5%.
Cải cách với đích đến Kho bạc số
Với đích đến “Kho bạc số, một nền hành chính phục vụ, lấy khách hàng làm trọng tâm”, CCHC, hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ vẫn là nhiệm vụ chủ đạo, xuyên suốt của toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong giai đoạn phát triển vừa qua và để tiến tới kho bạc số trong giai đoạn phát triển mới. Trong năm 2023, KBNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 – 2025 của hệ thống, đồng bộ trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Cụ thể, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ, nhất là các đề án, chính sách thuộc Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm tiếp tục cải cách công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.
KBNN tập trung cải cách TTHC theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch TTHC giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với các đơn vị sử dụng NSNN; Tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ; Triển khai Kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030; Tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với chiến lược, lộ trình cải cách.