Kết thúc năm 2019: Kinh tế đã “bứt phá”

Theo Phương Anh/kinhtevadubao.vn

Năm 2019, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, ước tính đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Ngày 30-31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để nhìn lại những kết quả đã đạt được qua 1 năm công tác, đánh giá những kết quả đã đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, qua đó đề ra những giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Những nỗ lực…

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2019 tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Theo Báo cáo, với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", Chính phủ tập trung vào 4 trọng tâm điều hành, 8 nhóm giải pháp, 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; 5 nhóm giải pháp, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính phủ nhận diện rõ các điểm nghẽn, những vướng mắc, bất cập của chính sách từng ngành, từng lĩnh vực, tiếp tục cải cách, đổi mới, khai thông, giải phóng tối đa, huy động mọi nguồn lực mang đến động lực tăng trưởng mới và tạo thêm dư địa cho phát triển. Xử lý những vấn đề trọng tâm, lâu dài gắn với giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, dư luận xã hội quan tâm.

Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin cho, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo; thực hiện nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, minh bạch, dân chủ, hiện đại, liêm chính, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

Chính phủ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nguyên tắc làm việc của Chính phủ; phát huy vai trò, trí tuệ của tập thể gắn với việc đề cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.

Bám sát Nghị quyết của Trung ương, kiên trì, kiên quyết, đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sát sao thực tiễn, thúc đẩy mạnh mẽ, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, cơ sở để chỉ đạo thực hiện mục tiêu kế hoạch và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.

Chính phủ đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, quyết sách của Quốc hội bằng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện và đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình.

Xác định đúng vai trò thể chế là then chốt, là khâu đột phá quyết định hiệu quả nền kinh tế, Chính phủ coi hoàn thiện pháp luật là ưu tiên hàng đầu, là nền tảng quan trọng, để từ đó đặt ra quan điểm xây dựng chính sách bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đạo rà soát sự chồng chéo của các quy định để tiến hành sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo tinh thần một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, ban hành văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ.

Đối với những vấn đề cấp thiết, Chính phủ đã chủ động đề xuất giải thích pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, điển hình là trong triển khai Luật Quy hoạch.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đổi mới tư duy chính sách từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ mọi vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tăng cường tham vấn chính sách, tham gia phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân; thí điểm các mô hình mới để kiểm chứng trong thực tiễn, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện chính sách.

Tích cực triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, Chính phủ ưu tiên thời gian cho xây dựng chính sách, pháp luật.

Ngoài việc thảo luận tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên chuyên đề xây dựng pháp luật và thường xuyên đôn đốc kiểm điểm tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chuyển biến vượt bậc, khẳng định thành quả của sự nỗ lực bền bỉ, quyết tâm cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông, khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, thiết thực đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, tháo gỡ thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt bỏ kiểm tra chồng chéo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông với tỷ lệ đúng hẹn đạt 95,8% mang đến sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp, giảm hẳn tình trạng tham nhũng vặt trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chính phủ phối hợp công tác chặt chẽ, có trách nhiệm cao; chú trọng tương tác, đối thoại, sát thực tiễn, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong điều hành.

Chuẩn bị khối lượng lớn văn bản, tài liệu phục vụ các kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chú trọng chất lượng và bảo đảm tiến độ trình trước khai mạc kỳ họp.

Lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ trả lời, tham gia giải trình chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị.

Chính phủ cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực công tác phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao.

Kết thúc năm 2019: Kinh tế đã “bứt phá” - Ảnh 1

Và, bức tranh sáng

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước tính đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Cụ thể, theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt tốc độ tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao là 6,6-6,8%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ 2011.

Công nghiệp và dịch vụ vẫn là 2 động lực tăng trưởng chính năm qua. Theo đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, đóng góp 50,4% vào tăng trưởng. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Cung cầu hàng hóa trong nước bảo đảm, tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất giai đoạn 2016-2019. Công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ thị trường tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết thúc năm 2019: Kinh tế đã “bứt phá” - Ảnh 2

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa xác lập kỷ lục mới, vượt mức 500 tỷ USD với giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay. Ngành du lịch tạo dấu ấn với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt người.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài. Chất lượng dân số ngày một nâng lên, tuổi thọ trung bình tăng cao, tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong mẹ và trẻ em giảm mạnh. Số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người dân cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, thách thức: Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài còn hạn chế.

Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Còn tồn tại một số rào cản, hạn chế về thể chế kinh tế gây ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Kết thúc năm 2019: Kinh tế đã “bứt phá” - Ảnh 3

Năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Cần nhận diện đúng cơ hội và thách thức để về đích

Bước sang năm 2020, kinh tế Việt Nam cần nhận diện những cơ hội cũng như những thách thức để có bước đi đúng trong tiến trình “về đích” của giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm trong năm 2020, các yếu tố rủi ro thách thức gia tăng, thương mại và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung…, một số vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để sẽ là lực cản đối với phát triển kinh tế nước ta.

Để có thể hoàn thành các mục tiêu kế hoạch không chỉ của năm 2020 mà của cả giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII đã đề ra, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế.

Trình bày dự thảo nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ xác định phương châm hành động là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành.

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi.

Hai là, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.

Ba là, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Bốn là, thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Sáu là, chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, lan tỏa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.