Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng kinh tế trọng điểm miền trung

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2019

Với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và nguồn lợi thủy sản dồi dào, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện phát triển về kinh tế biển và kinh tế biển cũng là ngành có đóng góp quan trọng cho kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, phát triển, ngành Thủy sản phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng các dữ liệu thứ cấp thông qua phân tích, so sánh để đánh giá khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo các tiêu chí thương hiệu, thị trường, hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng quan về doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi phát triển kinh tế biển, giá trị sản xuất thủy sản tương đối và là ngành truyền thống lâu đời của các địa phương. Doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung bước đầu được thành lập là các DN nhà nước, hợp tác xã nhưng sau đó khá đa dạng, thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Sản phẩm của các DN này đã có mặt trên 140 thị trường quốc tế. Các DNXK thủy sản của vùng KTTĐ miền Trung đã được đầu tư công nghệ ngày càng hiện đại, quy mô vốn ngày càng lớn, khả năng cạnh tranh của các DN đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, số lượng DNXK thủy sản còn hạn chế. Toàn vùng KTTĐ miền Trung hiện nay có tổng cộng hơn 50 DNXK thủy sản với quy mô công nghiệp.

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Khả năng cạnh tranh của các DNXK thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung được xem xét trên các tiêu chí sau:

Danh tiếng và thương hiệu

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng kinh tế trọng điểm miền trung - Ảnh 1

Hàng năm, Bộ Công Thương thực hiện đánh giá các DNXK uy tín cho các ngành hàng xuất khẩu khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá được Bộ Công Thương “dựa vào kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng, việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước”. Kết quả đánh giá năm 2018 cho thấy, cả nước có 36 DNXK thủy sản uy tín thì vùng KTTĐ miền Trung có 3 DN gồm: Công ty cổ phần (CTCP) xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung, CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước và CTCP Thủy sản Bình Định. Điều này cho thấy, các DNXK thủy sản còn lại chưa có sự thay đổi đột phá để nâng cao uy tín và danh tiếng trên thị trường thế giới; Đồng thời, thể hiện năng lực cạnh tranh của các DN trong vùng còn hạn chế.

Thị phần và khả năng chiếm lĩnh thị trường

Tiêu thụ là một tiêu chí đánh giá kết quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN. Căn cứ vào kết quả tiêu thụ là doanh thu có thể xác định thị phần của các DN trên thị trường. Thị phần thường xác định bằng thị phần tuyệt đối và thị phần tương đối. Xét tương đối trên thị trường thế giới giai đoạn 2013 - 2018 cho thấy, thị phần của DNXK thủy sản Việt Nam năm 2014 tăng so với năm 2013 nhưng năm 2015 và năm 2016 lại có xu hướng giảm, cụ thể năm 2015 là 6,475% giảm so với năm 2014, năm 2016 là 6,387% thấp hơn năm 2015, con số này có dấu hiệu tăng lên và đến năm 2018 lên tới 7,104% cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2018.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh

Hiệu quả là chỉ tiêu đánh giá kết quả đạt được và chi phí bỏ ra. Hiệu quả kinh doanh được đánh giá trên nhiều tiêu chí khác nhau, có thể là về kinh tế hoặc xã hội. Vùng KTTĐ miền Trung có tiềm năng phát triển thủy sản, trong vùng hiện nay có một số trung tâm thu mua và chế biến, các nghiệp đoàn nghề cá được thành lập…

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng kinh tế trọng điểm miền trung - Ảnh 2

Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng tương đối trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả vùng. Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tăng qua các năm song số lượng DN còn rất hạn chế. Hiệu quả kinh doanh của các DN còn được thể hiện thông qua nguồn lực cũng như hiệu quả sử dụng các nguồn lực của DN. Hiện nay, toàn vùng KTTĐ miền Trung có hơn 50 DNXK thủy sản theo quy mô công nghiệp và một số các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các DN này tập trung nhiều ở TP. Đà Nẵng (khoảng 22 DN), sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thủy sản đông lạnh (chiếm hơn 60%) còn các sản phẩm thủy sản khô có tỷ trọng thấp. Nguồn vốn ít, thiếu vốn là bài toán cần có lời giải cho các DNXK thủy sản trong vùng. Các quy định cũng như thủ tục hành chính còn gây nhiều cản trở, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các DN.

Bên cạnh nguồn vốn, nguồn lao động của DNXK thủy sản cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hàng loạt DN thiếu lao động, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn. Một số DN giảm các tiêu chuẩn lao động để tuyển lao động phổ thông nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Thực trạng thiếu hụt lao động trong vùng khó có thể giải quyết nhanh, vì gần như công tác đào tạo của các trường trong vùng về chuyên ngành Thủy sản còn hạn chế. Nhìn chung, các DNXK thủy sản tại vùng KTTĐ miền Trung hoạt động tương đối ổn định, trong đó nhiều DN đạt được kết quả kinh doanh tương đối tốt.

Thời gian qua, các DN đã, đang thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường. Trong các nhà máy sản xuất luôn sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát. Quy trình sản xuất khép kín theo công nghệ hiện đại đảm bảo tiêu chuẩn và có tính tự động hóa cao. Nguồn nguyên liệu sử dụng bảo đảm yêu cầu tươi, sạch, ít phát sinh chất thải. Các DN trong vùng luôn thực hiện phân loại chất thải đúng quy trình và đều được cấp các chứng chỉ ISO 9001:2008, BAP, BRC, HACCP, IFS, GAP về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, số lượng DN có chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam chưa nhiều. Điều này cho thấy, DN cần đầu tư công nghệ, tăng cường quản lý nguồn nguyên liệu để nâng cao chất lượng, đảm bảo quy định của thị trường quốc tế.

Một số đề xuất, kiến nghị

Ngành Thủy sản của vùng KTTĐ miền Trung muốn tăng trưởng và phát triển cần có những định hướng từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương. Những định hướng này phải là tổng hợp, liên kết chứ không phải phát triển riêng lẻ của từng địa phương. Cụ thể:

Đối với Chính phủ

- Tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước, của các cấp chính quyền trong việc quy hoạch, xây dựng, điều hành và phát triển của các địa phương đảm bảo mức độ logic, tương thích, thống nhất, đồng bộ để gắn kết các tỉnh trong vùng thành thể thống nhất. Cần xây dựng một cơ chế điều phối cấp vùng để điều hành hoạt động nhằm phối hợp, liên kết ngành Thủy sản của các tỉnh trong vùng với nhau để tăng sức cạnh tranh.

- Tuyên truyền, giáo dục nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về chiến lược phát triển kinh tế biển để mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ lãnh hải quốc gia bằng nhiều hình thức và biện pháp tuyên truyền khác nhau; Xây dựng kế hoạch quản lý tốt đội tàu khai thác, đánh bắt trên biển, cần tiếp cận với cơ sở để nắm bắt những thông tin kịp thời, gần gũi với đời sống của nhân dân.

- Giảm dần tỷ trọng xuất khẩu của nhóm sản phẩm thô chưa qua chế biến, tăng dần xuất khẩu sản phẩm tinh chế. Chính phủ cũng cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất chế biến để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và đồng thời làm tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

- Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, nhằm hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường, cũng như hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng...

Đối với Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Tiếp tục đầu tư phát triển các ngành Thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và đánh bắt nhằm tận dụng những lợi thế so sánh của vùng; Cần có sự đầu tư ở mức độ chuyên sâu để tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm xuất khẩu.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như thiết bị nghề cá theo hướng hiện đại; Nâng cấp, điều chỉnh cơ sở hạ tầng các cảng, nâng cao năng lực quản lý cảng cho các ban quản lý; Áp dụng công nghệ hiện đại trong khai thác, bảo quản, sản xuất thủy sản nhằm giảm mức hư hỏng cũng như giảm giá trị của sản phẩm sau quá trình sản xuất, đưa các phương tiện và ngư cụ khai thác hiện đại để nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Tạo điều kiện DNXK thủy sản thâm nhập vào thị trường cũng như chuỗi các DN sản xuất và xuất khẩu thủy sản ở mức độ cao hơn.

Đối với lãnh đạo tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Hỗ trợ nhiều hơn cho các DN về mặt tiếp cận các văn bản quy chuẩn của Chính phủ và của thị trường tiềm năng. 

- Có chính sách hỗ trợ các DN nâng cao nguồn lực, cụ thể tạo điều kiện cho DN tiếp cận được các nguồn vốn để tăng quy mô nâng cao chất lượng sản phẩm; đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như các kỹ năng mềm.

- Có những khuyến khích và định hướng các cơ sở giáo dục trong xây dựng và điều chỉnh các chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động ngành Thủy sản.

Tài liệu tham khảo:


1. Bộ Công Thương (2019), Tình hình xuất khẩu của Việt Nam năm 2018, Hà Nội;

2.Cục Thống kê Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế  (2019), Xuất khẩu thủy sản Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế   2012-2016;

3. Tổng cục Hải quan (2018), Báo cáo số cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam, Hà Nội;

4. VASEP (2019), Báo cáo doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản uy tín năm 2018, Hà Nội;

5 Michael Porter (1998), Competitive advantage: creating and sustaining superior performance, Hardcover.