Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp dài hạn để phục hồi và phát triển kinh tế

Hoa Sơn

Ngày 5/6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Tại Kết luận này, Bộ Chính trị nhận định, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngoài các giải nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp dài hạn nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất. Nguồn: uschamber
Trong 5 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất. Nguồn: uschamber

Trong những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế thế giới lâm vào suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 196,89 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 5,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% và nhập khẩu đạt 96,67 tỷ USD, giảm 4,6%.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 5 tháng với thị trường này đạt 126,42 tỷ USD, giảm 4,4 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 50,2 tỷ USD, giảm 1,4% và trị giá nhập khẩu là 76,21 tỷ USD, giảm 6,3%. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 38,56 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019 và là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu: 24,35 tỷ USD, giảm 7%; châu Đại Dương: 3,91 tỷ USD, tăng 1,9% và châu Phi: 2,38 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019…

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 5/2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 196,89 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 5,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 100,21 tỷ USD, giảm 0,9% và nhập khẩu đạt 96,67 tỷ USD, giảm 4,6%.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, Ban Bí thư yêu cầu cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chủ động điều hành, điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách nhà nước, trong đó có thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công cho phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh. Xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.

Đặc biệt, tại Kết luận số 77-KL/TW, bên cạnh các giải nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, Bộ Chính trị cũng yêu cầu cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp dài hạn nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, cụ thể:

Một là, đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số.

Hai là, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu trong các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính - ngân sách nhà nước, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác. Phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới; củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh. Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu.

Ba là, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, thoái vốn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; phát huy vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động. Chủ động, có cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái, nhất là từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực để phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi; bảo đảm hạ tầng kỹ thuật an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng và phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia, vùng và địa phương; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Năm là, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch. Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế.

Sáu là, phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển vùng bền vững, đồng bộ, hệ thống, tạo tác động lan tỏa. Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới; hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông; tạo không gian phát triển mới, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.