"Khả năng quy mô nới lỏng tiền tệ sẽ bằng một nửa năm 2009"

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Quan điểm trên được TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra tại Hội thảo đầu tư 2014 với chủ đề Cơ hội sau khủng hoảng do Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 2/4.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Quan điểm trên được TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra tại Hội thảo đầu tư 2014 với chủ đề Cơ hội sau khủng hoảng do CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 2/4.
 
Trong giai đoạn 2007-2011 là thời kỳ tín dụng nới lỏng rồi thắt chặt còn trong 2 năm vừa rồi chúng ta đã rất kiên định trong việc duy trì ổn định lạm phát, đương nhiên giá phải trả là tín dụng tăng trưởng thấp, ông Thành cho biết.
 
Và theo ông, hiện lãi suất đã hạ theo lạm phát, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, dựa trên nền tảng đó nên định hướng chính sách tiền tệ năm 2014 là nới cả về mặt tài khóa lẫn tiền tệ. Nhưng mà vấn đề quan trọng là chúng ta không nên nới lỏng quá mức như đã thực hiện năm 2009.
 
Tuy nhiên, ông Thành cũng nêu ra vấn đề e ngại ở đây chính là trong bối cảnh kinh doanh vẫn khó khăn, những yếu kém về cơ cấu chưa được giải quyết thì rõ ràng nếu nới lỏng quá sẽ lại phát sinh bài toán tạo áp lực về mặt lạm phát, áp lực lên tỷ giá.
 
Vậy quy mô của việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay sẽ tới đâu và tác động thế nào tới thị trường chứng khoán (TTCK)?
 
“Tôi cho rằng có khả năng sẽ nới lỏng tài khóa và tiền tệ với quy mô bằng một nửa năm 2009”, ông Thành đưa ra dự báo.
 
Nhìn lại năm 2009 việc nới lỏng chính sách tiền tệ với trọng tâm là giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất 4% được xem là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kích cầu chứng khoán. Thị trường đã tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản.
 
Đấy là trong quá khứ còn trong bối cảnh hiện tại, việc lãi suất giảm và có khả năng còn tiếp tục xu hướng này sẽ tác động ra sao với TTCK?
 
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI cho rằng lãi suất giảm sẽ tác động tích cực tới TTCK trong dài hạn.
 
Về dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ETF, ông Linh cho rằng có ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK.
 
“ETF rút vốn do ảnh hưởng từ cắt giảm QE3 và chiến tranh Syria, tuy nhiên điều này khó lặp lại trong thời gian còn lại của năm 2014. Việt Nam nằm ngoài làn sóng rút vốn mạnh mẽ khỏi các thị trường mới nổi”, ông Linh nhận định.
 
Ông Linh cũng đưa ra 5 điểm hấp dẫn cho câu chuyện trên TTCK Việt Nam 2014, gồm:
 
Kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhích dần trong khi lạm phát được kiểm soát.
 
Kinh tế 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam là EU và Mỹ (chiếm 36% tổng xuất khẩu) đang tăng trưởng tốt. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào EU và Mỹ đều là +20%, cao hơn mức trung bình 15,4%.
 
FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Việt Nam đang gần tiến tới Hiệp định thương mại TPP, FTA với EU và nhóm Nga, Belarus, Kazakhstan, nhân tố tiếp tục thúc đẩy thương mại và FDI.
 
Cán cân thanh toán thặng dư giúp tỷ giá VND ổn định, đối lập với sự mất giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực.
 
Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đạt được bước tiến đáng kể. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang tăng tốc. Tái cơ cấu đầu tư công bắt đầu chuyển động với dự thảo luật đầu tư công, luật đấu thầu sửa đổi. 
 
Với những cơ hội đầu tư nêu trên việc quan trọng với các nhà đầu tư đó chính là chiến lược đầu tư hợp lý. Và ở đây chính là chiến lược đầu tư theo đà tăng trưởng.