Khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đại dịch COVID -19 tại tỉnh Vĩnh Long
Nghiên cứu nhằm đánh giá khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long sau đại dịch COVID -19. Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở thu thập số liệu thứ cấp từ Ngân hàng Nhà nước, Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn 2019 – 2023. Kết quả phân tích cho thấy, dư nợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có xu hướng giảm vào năm 2023. Bên cạnh đó, về phía các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng gặp nhiều khó khăn khi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn... Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sau dịch COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.
Thực trạng tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long sau dịch COVID - 19
Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tại Vĩnh Long, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Năm 2023, tỉnh Vĩnh Long có 315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 2.677 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, giảm 19,8% về số doanh nghiệp, tăng 14,55% về số vốn đăng ký. Số vốn bình quân một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 8,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 35,28% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, có đến 122 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 68 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2019, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới là 274 doanh nghiệp, con số này tăng lên 73 doanh nghiệp, tỷ lệ tăng 26,6% vào năm 2018. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số doanh nghiệp đăng ký mới thêm chỉ có 13 doanh nghiệp, đưa con số doanh nghiệp đăng ký mới trong Tỉnh là 360 doanh nghiệp vào năm 2021, tăng 3,7% so với năm 2020. Đến năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký mới năm 2022 tăng 33 doanh nghiệp so với năm trước đó, tỷ lệ tăng 9,2%. Tuy nhiên, nằm trong tình hình chung của Việt Nam, năm 2023 các doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn Tỉnh sụt giảm 78 doanh nghiệp, tỷ lệ giảm 19,8%.
Bên cạnh số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, thì số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể cũng tăng giảm theo tương ứng. Năm 2019, số lượng doanh nghiệp giải thể là 55 doanh nghiệp, sang năm 2020, số lượng doanh nghiệp giải thể tăng lên trên 250%, số lượng doanh nghiệp giải thể là 193 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp làm thủ tục giải thể vào năm 2021 là 173 doanh nghiệp, năm 2020 là 159 doanh nghiệp, đến năm 2023, số doanh nghiệp giải thể còn 68 doanh nghiệp, điều này cho thấy đã có sự cải thiện, phục hồi dần kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Mức độ tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo thống kê tại các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long, mức độ tiếp cận vốn vay của các DNNVV tại địa bàn cũng gần giống với của cả nước. Trung bình có từ trên 28% đến dưới 40% các DNVVV tiếp cận và được hỗ trợ cho vay trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Tỉnh trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Tỷ trọng DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay đã có sự cải thiện tương đối trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019, có 30,1% DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng, năm 2020 là 31%, năm 2021 là 32,5%, năm 2022 là 31,2% và năm 2023 là 28,1% (Bảng 1). Những con số này cho thấy, số lượng doanh nghiệp vay vốn trên địa bàn Tỉnh đang giảm dần.
Bảng 1: Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, vay vốn tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2019-2023 |
|||||
Chỉ tiêu |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động |
2.586 |
2.734 |
2.904 |
3.366 |
3.992 |
Số lượng doanh nghiệp vay vốn |
779 |
848 |
944 |
1.050 |
1.123 |
Số lượng DNNVV |
2.135 |
2.378 |
2.660 |
2.968 |
3.262 |
Tỷ trọng DN vay vốn/DN đang hoạt động |
30,1% |
31,0% |
32,5% |
31,2% |
28,1% |
Tỷ trọng DNNVV /DN đang hoạt động |
82,6% |
87,0% |
91,6% |
88,2% |
81,7% |
Nguồn: Cục thuế Vĩnh Long
Tại Vĩnh Long, tính đến cuối năm 2023 có 1.123 DNNVV tham gia vay vốn tại các tổ chức tín dụng, tăng 73 doanh nghiệp so với năm 2022. Dư nợ cho vay DNNVV tại ngày 31/12/2023 đạt 5.909 tỷ đồng, giảm 164 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương giảm 2,7%. Trong năm 2022, do tình hình dịch bệnh, Tỉnh có đến 283 doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể. Do đó, mặc dù số lượng doanh nghiệp tham gia vay vốn hay tiếp cận được nguồn vốn vay năm 2023 tăng lên nhưng dư nợ giải ngân vẫn bị ảnh hưởng và giảm nhẹ so với năm 2022.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, số lượng DNNVV trên địa bàn Tỉnh tham gia vay vốn tăng 344 doanh nghiệp (năm 2019 số DNNVV vay vốn ngân hàng là 779 doanh nghiệp), tương đương tăng gấp 1,44 lần. Dư nợ cho vay DNNVV cũng tăng từ 3.227 tỷ đồng lên 5.909 tỷ đồng, tăng gấp 1,83 lần. Như vậy có thể thấy, quy mô giải ngân của các tổ chức tín dụng cho các DNNVV đã tăng lên đáng kể.
Dư nợ bình quân đối với một DNNVV tham gia vay vốn năm 2019 là 4,14 tỷ đồng. Đến năm 2023, DNNVV vay bình quân 5,26 tỷ đồng, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2019. Không chỉ gia tăng về số lượng doanh nghiệp, quy mô vay vốn cũng đang được cải thiện khá rõ rệt.
Các tổ chức tín dụng cũng không ngừng đổi mới quy trình, thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng bộ phận chăm sóc khách hàng, bộ phận xây dựng chính sách sản phẩm và bộ phận bán hàng chuyên biệt cho từng phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng phân khúc khách hàng DNNVV. Với các chính sách khách hàng linh hoạt, các tổ chức tín dụng chủ động tìm kiếm khách hàng trong tất cả các lĩnh vực có DNNVV tham gia, đặc biệt ưu tiên các DNNVV trong ngành Công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng liên tục và thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn cho phân khúc DNNVV. Ngoài ra, để hỗ trợ các dự án đầu tư và nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn, Ngân hàng sẽ triển khai chương trình ưu đãi và cam kết các mức lãi suất cố định 2 năm/3 năm/5 năm giúp DNNVV quản trị chi phí, an tâm sản xuất kinh doanh với mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường.
Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long khi tiếp cận vốn vay ngân hàng
Cơ hội
DNNVV là một trong những đối tượng luôn được Nhà nước dành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ, là một trong năm đối tượng được Ngân hàng Nhà nước quy định hưởng mức lãi suất cho vay tối đa khi vay vốn ngân hàng. Khi DNNVV có nhu cầu vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, sẽ nhận được khoản cho vay ngắn hạn với lãi suất cho vay tối đa mà Ngân hàng Nhà nước quy định từng thời kỳ, các ngân hàng không được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận cao hơn mức lãi suất quy định này.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn vay ngân hàng tốt hơn, có cơ hội tham gia các dự án đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định Ngân hàng Phát triển Việt Nam đứng ra bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, DNNVV phải có dự án đầu tư khả thi, đối ứng 15% vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đứng ra bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại nhưng không vượt quá 85% tổng mức đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động.
Một chính sách vĩ mô khác mà Nhà nước áp dụng để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của các DNNVV là gói kích cầu kinh tế mà Chính phủ áp dụng nhằm ngăn chặn suy thoái và tăng trưởng kinh tế. Các chính sách miễn, giảm thuế, kết hợp với hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất thấp, từ đó giảm bớt chi phí kinh doanh.
Với các cơ chế hỗ trợ đã được Nhà nước vạch ra, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng có những chính sách cho vay DNNVV theo chủ trương của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã đưa ra hàng loạt các chương trình cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng với nhiều hình thức cho vay linh hoạt phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Thách thức
Về phía các ngân hàng cũng có một số khó khăn, tồn tại làm hạn chế quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các DNNVV.
- Nợ xấu của ngân hàng
Có nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu của các ngân hàng ngày càng tăng và khó xử lý. Thứ nhất là do chính bản thân các ngân hàng trong quá trình đẩy nhanh mạng lưới hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đã không tuân thủ các quy định, quy chế cho vay. Sự suy thoái về đạo đức của cán bộ ngân hàng và các hoạt động đầu tư không lành mạnh đã khiến khoản tiền cho vay không thu hồi đúng thời hạn. Thứ hai là do điều kiện khách quan của nền kinh tế khiến người đi vay để đầu tư kinh doanh gặp nhiều bất trắc, không có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng. Hệ lụy của tỷ lệ nợ xấu cao khiến ngân hàng thiếu hụt thanh khoản do không thu hồi được vốn, bị liệt vào danh sách các ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp.
- Quy định giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn
Theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được phép sử dụng 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Sự thiếu hụt thanh khoản và cuộc đua lãi suất trong thời gian qua của các ngân hàng khiến cơ cấu huy động vốn nghiêng về các kỳ hạn ngắn. Điều này đồng nghĩa với hạn mức cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng giảm xuống. Trong khi nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp một phần bổ sung vốn kinh doanh, một phần đáp ứng nhu cầu tài chính dài hạn để tham gia các dự án đầu tư, đổi mới máy móc thiết bị công nghệ, nhà xưởng, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Sự thiếu hụt vốn để cho vay trung dài hạn khiến các ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp khi cần nguồn hỗ trợ tài chính trong thời gian dài.
- Giới hạn về mức tăng trưởng của tín dụng ngân hàng
Bắt đầu từ năm 2022, ngân hàng Nhà nước quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhóm ngân hàng tùy thuộc vào hiệu quả kinh doanh và khả năng quản trị rủi ro của từng ngân hàng. Ví dụ, các ngân hàng được chia làm 4 nhóm với hạn mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 17%, 15%, 13% và 8%, các ngân hàng chỉ được phép tăng trưởng tín dụng trong mức cho phép mà Ngân hàng Nhà nước đã quy định. Với hạn mức này, ngân hàng bắt buộc phải lựa chọn khách hàng để cho vay. Khi đã sử dụng hết hạn mức, ngân hàng không thể giải ngân thêm để phục vụ nhu cầu khách hàng, từ đó, cũng gây ra một số trở ngại cho ngân hàng khi quyết định cho vay các DNNVV.
- Quy định về việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi giải ngân số tiền trên 100 triệu đồng và thanh toán trực tiếp cho bên thụ hưởng
Các DNNVV tại Vĩnh Long vẫn còn thói quen thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt nhưng theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng khi giải ngân số tiền trên 100 triệu đồng thì phải sử dụng các phương tiện không dùng tiền mặt và giải ngân trực tiếp cho bên thụ hưởng. Với quy định này, các DNNVV rất khó cung cấp chứng từ để ngân hàng hoàn chỉnh hồ sơ vay, vì bản thân doanh nghiệp, đối tác của doanh nghiệp, người lao động tại doanh nghiệp đa phần đều sử dụng tiền mặt trong thanh toán, nên để cung cấp chứng từ phù hợp với yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cho một khoản tiền giải ngân, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của nhiều phía chứ không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đi vay là các doanh nghiệp.
- Hệ thống báo cáo tài chính của DNNVV
Khi tiếp nhận hồ sơ vay của DNNVV, các ngân hàng rất khó xác minh số liệu thực sự về hoạt động của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính của DNNVV thường không được kiểm toán hàng năm, nên độ tin cậy đối với ngân hàng là rất thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn cố ý làm trái quy định, trốn thuế… đã làm cho bản thân doanh nghiệp gặp khó khăn khi chứng minh hoạt động kinh doanh lành mạnh của mình.
- Tài sản đảm bảo của DNNVV
Vấn đề giá trị tài sản và quyền sở hữu các tài sản có thể đem thế chấp ngân hàng luôn là một rào cản lớn khi các ngân hàng xem xét cho DNNVV vay vốn. Trở ngại chính mà các ngân hàng không thể cho doanh nghiệp vay vốn là giá trị tài sản thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn, hoặc tài sản không có tính khả mãi hoặc các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản giữa cá nhân và doanh nghiệp. Theo nguyên tắc, tài sản thế chấp phải thuộc quyền sở hữu của người vay hoặc người đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay, đồng thời, người bảo lãnh không là người đại diện pháp luật cho doanh nghiệp vay vốn. Quy định này khiến một số doanh nghiệp không đáp ứng được, nên ngân hàng không thể cho vay mặt dù nhu cầu vay và phương án sử dụng vốn hoàn toàn hợp lệ và khả thi.
Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Vĩnh Long
Trên có sở phân tích thực trạng tiếp cận vốn vay ngân hàng và những điểm yếu của DNNVV, nghiên cứu đề xuất các giải pháp để DNNVV tăng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và tích lũy tài sản hàng năm. Để gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng và tích lũy tài sản qua nhiều năm hoạt động. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập, để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm về quy mô tổng tài sản, biện pháp nhanh và hiệu quả có thể áp dụng đó là nên chuyển đổi quyền sở hữu tài sản từ cá nhân sang quyền sở hữu của doanh nghiệp.
Thứ hai, doanh nghiệp cần có chiến lược tăng trưởng doanh thu. Đây là giải pháp đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực trong kinh doanh để đảm bảo doanh thu tăng trưởng. Duy trì được sự ổn định và tăng trưởng trong kinh doanh là một lợi thế để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trước khi nhận được nguồn tài trợ từ phía ngân hàng, bản thân DNNVV nên tự cân đối kế hoạch kinh doanh, giữ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình luôn lành mạnh và hiệu quả. Có như vậy, doanh nghiệp mới tạo được sự hấp dẫn thu hút các nguồn vốn đầu tư bên ngoài, trong đó có vốn vay ngân hàng.
Thứ ba, doanh nghiệp phải đáp ứng thủ tục vay vốn ngân hàng. DNNVV với tư cách là người vay tiền, cần tuân thủ tốt các quy định pháp lý để không tự gây khó khăn cho mình. Trước hết, doanh nghiệp nên quan tâm và chấn chỉnh ngay công tác kế toán tại đơn vị mình, quan tâm đào tạo đội ngũ có khả năng tự lập phương án kinh doanh và báo cáo tài chính để đáp ứng cho các cơ quan quản lý và sử dụng để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định về chương trình cho vay ưu đãi để tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng.
Thứ tư, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo các quy định mới về giải ngân vốn vay, mặt khác giúp doanh nghiệp tạo lập mối quan hệ nghiệp vụ với ngân hàng. Hơn nữa, mọi hoạt động thanh toán của doanh nghiệp đều thông qua ngân hàng, ngân hàng sẽ dễ dàng nắm bắt được tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó làm giảm thông tin bất đối xứng trong cho vay.
Thứ năm, doanh nghiệp cần nâng cao tính liên kết của các bên có liên quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn tài chính, tín dụng nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long (2021). Báo cáo tổng kết hoạt động ngành Ngân hàng năm 2021;
- Huỳnh Bích Như (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- Lê Khương Ninh (2010), Ảnh hưởng của thông tin bất đối xứng và hạn chế tín dụng đến đầu tư doanh nghiệp. Tạp chí Ngân hàng;
- Nguyễn Hồng Hà, Huỳnh Thị Ngọc Tuyền, Đỗ Công Bình (2013), Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn;
- Nguyễn Minh Kiều (2007), Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại, NXB Thống kê;
- Mukiri, W.G. (2011), Determinants of access to Bank credit by micro and small enterprises in Kenya, Beacon Consultant Service, Kenya.