Đợt lao dốc của thị trường tiền số tệ hơn vụ nổ bong bóng dotcom
Trong khi các đồng tiền số lập đáy mới vào hôm thứ Tư (12/9), chỉ số MVIS CrytoCompare Digital Assets 10 Index tiếp tục nới dài đà lao dốc kể từ mức cao nhất trong tháng 1 và đến nay đã giảm 80%. Con số này hiện đã vượt qua mức sụt giảm 78% của chỉ số Nasdaq Composite Index sau khi bong bóng dotcom nổ vào năm 2000.
Giống như các nhà đầu tư trong vụ nổ bong bóng dotcom gần hai thập kỷ trước, giới đầu tư tiền số đặt cược lớn vào công nghệ được xem là mang tính đột phá này đang phải gánh chịu thực tế đau đớn, đặc biệt đối với những người rót vốn vào một số đồng ít tên tuổi.
“Điều này cho thấy tiền số là một bong bóng đầu cơ khủng như nhiều người đã cảnh báo. Rất có khả năng một đồng tiền thắng cuộc giành tất cả thị trường – Bitcoin là đồng tiền hiện có nhiều khả năng nhất”, Neil Wilson, nhà phân tích thị trường tại Markets.com ở London (Anh) nhận định.
Thị trường tiền số lao dốc trong hôm 12/9 được dẫn dắt bởi đồng Ether. Đồng tiền số lớn thứ nhì thế giới về giá trị vốn hóa này đã giảm hơn 40% kể từ đầu tháng 9. Trong khi giá Bitcoin ít thay đổi và chỉ số MVIS CrytoCompare giảm 3,8%. Theo CoinMarketCap, tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền số đã giảm xuống còn 187 tỷ USD, mức thấp nhất trong 10 tháng.
Cơn sốt tiền số bắt đầu từ năm 2017, được thúc đẩy bởi kỳ vọng Bitcoin sẽ trở thành “vàng kỹ thuật số”, và các đồng tiền số khác dựa trên công nghệ Blockchain sẽ định hình các ngành công nghiệp từ tài chính tới thực phẩm. Tuy nhiên, cơn sốt này đã nhanh chóng dấy lên những lo ngại về sự thổi phồng quá mức, lỗ hổng an ninh, thao túng thị trường, các quy định chặt chẽ hơn và sự dè dặt hơn dự kiến của Phố Wall.
Những người ủng hộ tiền số đã bác bỏ so sánh tiêu cực cho rằng thị trường này đang giống như kỷ nguyên dotcom, bằng cách chỉ ra sự phục hồi của Nasdaq Composite lên mức cao nhất sau 15 năm ngày bong bóng dotcom phát nổ. Họ cũng nhắc đến những tác động to lớn của Internet đối với xã hội hiện nay và nói về cách Bitcoin đã phục hồi sau các đợt giảm sâu. Song ngay cả khi nhiều người lạc quan rằng tiền số sẽ thay đổi thế giới, thì đợt bán tháo kể từ đầu năm đến nay đã cho thấy con đường phát triển phía trước sẽ không được bằng phẳng.
Mặc dù vậy, tác động từ sự lao dốc của tiền số lên nền kinh tế thế giới có thể sẽ chỉ ở mức hạn chế. Thị trường tiền số đã mất 640 tỷ USD vốn hóa kể từ tháng 1, nhưng con số này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với hàng tỷ USD bị “thổi bay” khỏi chỉ số Nasdaq Composite khi bong bóng dotcom nổ tung.