Khắc phục tối đa các khiếm khuyết khi vận động bầu cử
Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ lần này, các ứng viên đại biểu Quốc hội nên thận trọng và khắc phục tối đa các khiếm khuyết làm cho cử tri phân vân, kém phần tin tưởng.
Trong cả hai hình thức vận động, người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đều phải báo cáo với cử tri chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu.
Riêng vận động theo hình thức tiếp xúc cử tri thì có công đoạn khá quan trọng là, cử tri nêu ý kiến, kiến nghị, đề đạt nguyện vọng với người ứng cử; cử tri và người ứng cử trao đổi ý kiến có tính chất đối thoại theo nguyên tắc dân chủ, thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề cử tri quan tâm.
Qua một số cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước đây, có thể thấy nổi lên một số khiếm khuyết mà ứng cử viên thường mắc phải khi vận động bầu cử là:
Thứ nhất, tư thế, phong cách của một số ứng cử viên chưa phù hợp: Do quan niệm buổi “ra mắt cử tri” phải trịnh trọng và do thói quen hễ là cuộc gặp gỡ thì phải “xiêm áo bảnh bao” nên có một số ít ứng cử viên xuất hiện trước cuộc tiếp xúc cử tri với tư thế như những diễn viên điện ảnh, sân khấu. Nữ ứng cử viên thì hai, ba vòng ngọc, dây chuyền ở cổ; ngón tay, cổ tay, nào nhẫn, nào vòng đủ kiểu; mặt mày kẻ vẽ thái quá.
Nam ứng cử viên thì “quần gân áo hộp”, kính râm mắt to, đầu tóc bóng lộn, đi đứng bệ vệ. Sự xuất hiện của những ứng cử viên này rất xa lạ với công chúng cử tri ở những vùng nông thôn, nhất là những vùng xa xôi còn nghèo khó. Đã có nơi, các cử tri đàm tiếu với nhau rằng, họ ở lầu son, gác tía đi thăm thú, du lịch, chứ đâu phải là người đại diện giúp mình phương cách thoát nghèo, làm giàu! Dù số ứng cử viên này ngày càng ít, rất thiểu số, nhưng cũng phải lưu ý, rút kinh nghiệm.
Ứng cử viên từ cấp huyện trở lên không phải lúc nào cũng có dịp gặp gỡ công chúng cử tri ở cơ sở, do vậy, hình ảnh ban đầu thiếu thiện cảm của những “người lạ” chuẩn bị làm người đại diện cho dân thường ghi dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí cử tri. Hơn nữa, một trong những mục đích, yêu cầu của tiếp xúc cử tri là nhằm tạo điều kiện cho cử tri hiểu rõ ứng cử viên, từ đó mà họ cân nhắc, lựa chọn bầu ai.
Bởi vậy, ứng cử viên phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, là người có cuộc sống giản dị, dễ gần gũi với công chúng, luôn luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi nơi dân (không phải là cuộc trình diễn hình thức, mức độ sang giàu, ai hơn ai).
Thứ hai, thái độ chưa thật chuẩn mực của một vài ứng cử viên: Có ứng cử viên cho rằng, lúc nào bà con cũng chỉ la lối, kêu ca, như là “bài ca muôn thuở”, nghe mãi rồi. Từ đó, họ không thật tập trung nghe cử tri phát biểu, thậm chí còn có vẻ ngán ngẩm. Ngược lại, có ứng cử viên nức nở khen ý kiến của cử tri từ đầu đến cuối, ai nói gì cũng khen; cho rằng ý kiến nào cũng vô cùng quý báu (kể cả ý kiến thiếu tính xây dựng).
Theo chúng tôi, dù chưa phải là đại biểu nhưng ứng cử viên phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của đại biểu dân cử là trung thành, trung thực và chân thực. Phải nghe cho hết, suy nghĩ chín chắn, kỹ càng và trao đổi một cách khách quan, đúng mức, có trách nhiệm. Điều đó cũng là một khía cạnh thể hiện trình độ, năng lực, trí tuệ và phương pháp làm việc của ứng cử viên.
Thứ ba, có ứng cử viên phát biểu chưa thật đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đại biểu dân cử:Trong bộ máy nhà nước có ba loại cơ quan là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Một số ứng cử viên (thường là ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử) có thể chưa tìm hiểu kỹ luật định chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan nói trên nên đôi khi có sự lẫn lộn nhiệm vụ của đại biểu dân cử với nhiệm vụ của cán bộ cơ quan hành pháp và tư pháp.
Ví dụ, có ứng cử viên trả lời cử tri: “Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, nếu chính xác như thế, tôi sẽ đề cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, đến tận Bộ đó để giải quyết cho ra môn, ra khoai, rõ ràng, minh bạch...”.
Thực ra, việc giải quyết một vụ việc cụ thể ở một cơ quan thuộc lĩnh vực hành pháp thì chủ yếu phải do cơ quan đó và cấp trên cơ quan đó xử lý; đại biểu chỉ có nhiệm vụ chuyển đơn, đôn đốc và giám sát việc giải quyết đến tận cùng. Từ ví dụ này, vấn đề được đặt ra là, mỗi ứng cử viên phải tìm hiểu và nắm tương đối vững quyền hạn và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi vận động bầu cử.
Thứ tư, do quá lo lắng mà có ứng cử viên lúng túng, không biết nói gì và thể hiện như thế nào cho thanh thoát: Khiếm khuyết này thường rơi vào một số ứng cử viên lần đầu được giới thiệu ứng cử, hoặc là chưa quen nói ở những nơi đông người, hoặc là có quá nhiều chuyện muốn nói mà chưa biết bắt đầu từ đâu cho hợp lý, hoặc là “quá ngợp” với vị thế mà mình sắp vươn tới, nhất là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh...
Để khắc phục các tình huống này, có lẽ tốt nhất là rút kinh nghiệm từ việc chọn lọc một số vấn đề thiết thực nhất, sắp xếp theo một trình tự hợp lý nhất, vấn đề trước làm nền cho vấn đề sau và thực sự bình tĩnh, tự tin, trình bày mạch lạc, khúc chiết, rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Có thể có những ví dụ minh họa nhằm làm sáng rõ vấn đề…
Thứ năm, chương trình hành động của một số ứng cử viên không sát với thực tế địa phương nên cử tri càng nghe càng thờ ơ: Từng có ứng cử viên khi vận động bầu cử đã trình bày rất say sưa các chương trình biểu diễn một số loại hình nghệ thuật trong thời gian tới do chính mình quản lý; lại có ứng cử viên sa đà vào một chuyên môn hẹp của khoa học tự nhiên..., trong khi địa bàn tiếp xúc là một vùng nông thôn xa xôi, chủ yếu làm nông nghiệp.
Tại đó, nhiều cử tri nói: “Ai kiến nghị được các giải pháp tiêu thụ lúa gạo, củ, quả, cá, tôm, lợn, gà... cho nông dân với giá phải chăng thì chúng tôi giơ cả hai tay bầu cho người đó”. Trong tình thế này, các ứng cử viên nói trên không đắc cử đã như là một lời cảnh báo trước. Từ “bài học” này, vấn đề quan trọng đặt ra là, ứng cử viên phải nắm bắt tương đối chắc chắn tình hình cơ bản về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước nói chung và của địa phương nơi mình ứng cử nói riêng.
Từ đó, xây dựng một chương trình hành động ngắn gọn theo quy chuẩn nhưng bao hàm được những nét chủ yếu và tương thích, phù hợp với tình hình địa bàn nơi ứng cử, rồi trình bày và trao đổi với cử tri một cách rộng mở, thoải mái, tự tin
Thứ sáu, một số ứng cử viên quá tin vào vị thế của mình mà thiếu sự tích cực vận động bầu cử: Ở các khóa trước, chỉ nói riêng ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có không ít người đương kim lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương mà không trúng cử. Ngay cả ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu từ khóa X đến khóa XIII cũng có trên dưới chục người (mỗi lần bầu) không đắc cử.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng thiếu sự tích cực khi vận động bầu cử là một nguyên nhân và cũng là một thiếu sót đáng tiếc. Biểu hiện cụ thể là, một số ứng cử viên chỉ tiếp xúc một hai cuộc rồi thôi, nói là quá bận việc; cá biệt, có người chỉ gặp gỡ chung với lãnh đạo địa phương, không có buổi tiếp xúc nào với cử tri ở đơn vị bầu cử.
Có người còn ngộ nhận rằng, tiếng nói “cao đạo hào hùng” của mình là để giảng giải, giáo huấn chứ đâu phải để “vấn đáp” như thế này! Họ cố tình quên rằng, ngày nay, dân chủ được phát huy mạnh mẽ, cử tri rất muốn biết, rất muốn nghe để “đo đếm”, nắm bắt thực chất “đô lượng” tài, đức của ứng cử viên như thế nào…
Lần bầu cử tới đây, các ứng cử viên nên khắc phục tối đa thiếu sót nói trên, bởi đó cũng là “phép thử” xem các vị có đạt được tiêu chuẩn thứ 4 của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân không - đó là: “Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm” (Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015)…
Những khiếm khuyết nói trên, với mức độ khác nhau, đều có liên quan trực tiếp đến 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội được quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 và 4 tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định tai Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Tin tưởng rằng, với nỗ lực phấn đấu vươn đến tầm cao các tiêu chuẩn đó, các ứng cử viên của cuộc bầu cử lần này sẽ nghiêm túc hoàn thiện mình hơn nữa để trở thành những ứng cử viên sáng giá, đắc cử vào các cơ quan dân cử 4 cấp nhiệm kỳ mới.