Khái quát về cơ chế điều chỉnh lượng các-bon biên giới
Hiện nay, trên thế giới có sự khác biệt trong định giá các-bon xảy ra cùng với quá trình di chuyển của hàng hóa thông qua thương mại quốc tế, đã tạo ra hiện tượng rò rỉ carbon. Rò rỉ các-bon có thể được giảm bớt thông qua cơ chế điều chỉnh lượng các-bon biên giới (BCA) áp dụng tại quốc gia nhập khẩu. Bởi vậy, một số quốc gia đã, đang từng bước hoàn thiện cơ chế điều chỉnh lượng các-bon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường các-bon.
Hiện nay, cơ chế điều chỉnh lượng các-bon biên giới (BCA) đã trở thành một chủ đề được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt trong các chính sách thương mại quốc tế và môi trường. Nhìn nhận rộng hơn, các quốc gia nói riêng và cả thế giới nói chung đang chịu sự tác động ngày càng nhiều của biến đổi khí hậu, các cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tạo áp lực đáng kể lên quá trình xây dựng và thực thi chính sách quốc gia, đặc biệt là các quốc gia và khu vực có phát thải các-bon cao.
Nhiều quốc gia đã sử dụng các công cụ định giá các-bon như thị trường các-bon, thuế các-bon nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp trong nước/khu vực giảm phát thải hoặc chuyển dịch các-bon thấp trong sản xuất, tiêu thụ và đầu tư. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với thực trạng tăng chi phí do phải đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi nguồn nguyên nhiên liệu sản xuất, làm giá thành sản phẩm cao, giảm sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước.
Đồng thời, gia tăng cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác đã tạo sức ép cho các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu công cụ đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng ở góc độ phát thải giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa.
Kết quả là cơ chế điều chỉnh lượng các-bon biên giới dần được hình thành hoặc đang được cân nhắc áp dụng ở một số quốc gia trên thế giới. Điển hình như, Anh và Canada đã thực hiện tham vấn cộng đồng về việc áp dụng BCA vào năm 2021 và năm 2023, Nhật Bản đang xem xét BCA trong chiến lược tăng trưởng xanh năm 2020. Trong khi đó, Chính phủ Australia cũng đang cân nhắc áp dụng một cơ chế bảo vệ hoặc chính sách giải quyết vấn đề rò rỉ các-bon. Hiện nay, chỉ mới có châu Âu đã công bố áp dụng cơ chế BCA này dưới tên gọi là Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Các-bon (CBAM).
CBAM là một công cụ trong gói kế hoạch “Fit for 55” (giảm 55% phát thải khí nhà kính vào năm 2030), trong khuôn khổ Thoả thuận Xanh của Liên minh châu Âu (EU). Mục tiêu chính của cơ chế này là ngăn chặn nguy cơ rò rỉ các-bon, bảo vệ năng lực cạnh tranh của sản xuất trong khu vực và khuyến khích các nước ngoài châu Âu phát triển các chính sách giảm phát thải. CBAM có hiệu lực từ tháng 10/2023 với 05 mặt hàng chịu ảnh hưởng của cơ chế này gồm: điện, sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón và khí hydro.
Cơ chế CBAM được thực hiện trên nguyên tắc đơn vị nhập khẩu các mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng của CBAM sẽ phải mua 01 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương phát thải ra môi trường trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Giá của chứng chỉ CBAM được tính dựa trên giá đấu giá trung bình hàng tuần của hạn ngạch trên hệ thống mua bán phát thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS). Đối với quốc gia xuất khẩu đã có công cụ định giá các-bon, giá của chứng chỉ CBAM sẽ được điều chỉnh sau khi đã trừ đi giá các-bon của nước xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu đạt tiêu chuẩn về phát thải do EU đặt ra sẽ được miễn áp dụng CBAM.
Thực tế đến nay chưa có nhà nhập khẩu nào phải chịu chi phí CBAM bởi vì EU mới bắt đầu triển khai áp dụng và chưa đến thời điểm thực thi toàn bộ cơ chế. CBAM triển khai qua 03 giai đoạn: giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn vận hành và giai đoạn vận hành toàn bộ. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 10/2023 đến hết tháng 12/2025, nhà nhập khẩu vào EU sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM, báo cáo gồm các thông tin về hàng hóa để xác định tổng lượng phát thải tích hợp trong hàng hóa và các chi phí/thuế các-bon đã phải trả ở nước xuất xứ đối với lượng phát thải tích hợp trong hàng hóa nhập khẩu.
Từ năm 2026, người khai báo CBAM do EU cấp phép có tài khoản CBAM trên hệ thống đăng ký CBAM (CBAM Registry) thực hiện khai báo và giao nộp chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải tích hợp trong hàng hóa đã được thẩm định mà họ đã nhập khẩu trong năm trước đó lên hệ thống đăng ký CBAM trước tháng 5 hàng năm. Trong báo cáo CBAM phải làm rõ tổng số chứng chỉ CBAM phải nộp và báo cáo thẩm định do đơn vị thẩm định ban hành. Sau khi vận hành chính thức từ năm 2026 và trải qua quá trình đánh giá rà soát toàn diện vào năm 2027, CBAM chính thức vận hành toàn bộ vào năm 2034.
Như vậy, có thể thấy cơ chế CBAM rất chặt chẽ, đòi hỏi nghĩa vụ báo cáo và tuân thủ rất cao của doanh nghiệp nhập khẩu bởi nếu không đạt được yêu cầu này, hàng hóa trong danh mục thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM mà chưa nộp chứng chỉ CBAM sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.
Ngoài việc bỏ tiền để chi trả cho chứng chỉ CBAM tại EU, nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng của CBAM còn có lựa chọn khác là chi trả chi phí bù đắp cho lượng phát thải chưa được định giá các-bon thông qua việc thực hiện nghĩa vụ này trong phạm vi quốc gia xuất khẩu của mình. Điều này mở ra cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu phát triển các công cụ định giá các-bon trong nước, vừa là công cụ giúp thực hiện giảm phát thải nói chung cho các ngành kinh tế nội địa, trung hòa các-bon của nền kinh tế trong nước và cũng đồng thời thúc đẩy các công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải quốc tế.