Khai sai các chỉ tiêu thuế có bị xử phạt?

TCT

Trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì bị xử phạt theo quy định. Trường hợp người nộp thuế có số thuế nộp thừa thì số tiền thuế nộp thừa của người nộp thuế được xử lý theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế.

Khai sai các chỉ tiêu thuế có bị xử phạt? (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Khai sai các chỉ tiêu thuế có bị xử phạt? (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì bị xử phạt theo quy định. Trường hợp người nộp thuế có số thuế nộp thừa thì số tiền thuế nộp thừa của người nộp thuế được xử lý theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế.

Theo cách hiểu của ông Nguyễn Hoài Ngọc (Hà Nội), trường hợp qua thanh tra, kiểm tra xác định số thuế phải nộp của một kỳ khai thuế của một sắc thuế (kỳ khai thuế theo tháng/quý đối với thuế GTGT, kỳ khai thuế theo năm với thuế TNDN) nhiều hơn số thuế mà người nộp thuế đã kê khai, nộp thuế nhưng thực tế người nộp thuế đang có số thuế nộp thừa nhiều hơn hoặc bằng đúng số tiền thuế thiếu (số tiền chênh lệch giữa số thuế qua thanh tra, kiểm tra và số thuế người nộp thuế đã kê khai) thì không bị xem là hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp và không bị xử phạt 20% trên số tiền thuế chênh lệch giữa số thuế được xác định qua thanh tra, kiểm tra và số thuế người nộp thuế đã kê khai.

Với mong muốn hiểu rõ quy định để thực hiện cho đúng pháp luật về thuế, ông Ngọc muốn biết cách hiểu của ông có đúng và phù hợp không?

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 13 và Khoản 33 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13:

“13. Điều 47 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 47. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.”.

33. Điều 107 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 107. Xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn

1. Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn cao hơn và bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao hơn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn cao hơn.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu người nộp thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 108 của Luật này thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định, người nộp thuế còn bị xử phạt như sau:

a) Phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và khai bổ sung quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này;

b) Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.”

Căn cứ quy định nêu trên thì Điều 107 Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 33, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13) quy định rõ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế.

Do đó, trường hợp người nộp thuế có hành vi khai sai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp thì bị xử phạt theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế có số thuế nộp thừa thì số tiền thuế nộp thừa của người nộp thuế được xử lý theo quy định tại Điều 47 Luật Quản lý thuế (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13).