Khai thác “mỏ vàng” du lịch tàu biển


Du lịch tàu biển Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá và nếu khai thác tốt sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Tàu biển quốc tế cập Cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa.
Tàu biển quốc tế cập Cảng quốc tế Cam Ranh, Khánh Hòa.

Các chuyên gia du lịch nhận định, du lịch tàu biển là một trong những loại hình mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh và khẳng định thương hiệu điểm đến.

Việt Nam có đường bờ biển dài, có hơn 4.000 hòn đảo, bãi đá ngầm, nhiều vịnh, bãi biển đẹp, nhiều cảng nước sâu cho phép các tàu lớn neo đậu sát bờ, cũng là nơi lịch sử và thiên nhiên hòa quyện. Việt Nam cũng nằm trên tuyến giao thương hàng hải nhộn nhịp, kết nối với nhiều nước có lượng khách tàu biển lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Từ đầu năm 2025 đến nay, ngành du lịch tàu biển Việt Nam liên tục ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tháng 1/2025, Việt Nam đón gần 2,1 triệu lượt khách quốc tế, trong đó, lượng khách đến bằng đường biển đạt 44.900 lượt.

Du lịch tàu biển là phân khúc đầy tiềm năng, với sự tham gia của nhiều hãng tàu lớn như Royal Caribbean, MSC Cruises, Costa Cruises... Việc đưa Việt Nam vào hành trình của các hãng này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn khách, mà còn thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ngành kinh tế xanh Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút dòng khách quốc tế có sức chi trả cao này, nhờ có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, du lịch tàu biển còn những “rào cản” về hạ tầng cảng du lịch, nguồn nhân lực thiếu và yếu, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng.

Theo ông Tuấn, phần lớn du khách tàu biển chỉ tham quan trong vài giờ rồi rời đi, mà chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo, làm giảm giá trị kinh tế mang lại.

Đồng thời, cần đơn giản hóa quy trình xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế. Xây dựng các tour ngắn ngày kết hợp trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, giải trí cao cấp để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông trên các kênh quốc tế để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách toàn cầu.

Các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp chuyên đón khách tàu biển cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống cảng tàu khách chuyên dụng tại các thành phố ven biển trọng điểm để nâng cao năng lực đón tiếp và phát triển dịch vụ hậu cần. Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tăng trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, giải trí cao cấp cho khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách.

Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình xuất nhập cảnh và đẩy mạnh truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách toàn cầu.

Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác với các hãng tàu lớn để đưa Việt Nam vào hành trình du lịch quốc tế, thu hút nhiều tàu khách cập bến; tổ chức các hội nghị, hội thảo thu hút các nhà đầu tư, hãng tàu lớn. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ cảng biển có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đại diện một doanh nghiệp du lịch cho biết, khách du lịch tàu biển đến Việt Nam có mức chi tiêu cao, cho nên loại hình du lịch này cần được xác định là một trong những sản phẩm mang tính chiến lược. Do đó, ngành du lịch cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ tối đa các rào cản, tạo điều kiện để phát triển loại hình du lịch tàu biển.

Theo Châu Huệ/diendandoanhnghiep.vn