Khai thác thế mạnh từ quy hoạch tiềm năng đất đai
Bình Thuận có tiềm năng đất đai khá rộng lớn, phân bổ đều khắp từ đồng bằng ven biển đến miền núi vùng cao, thuận lợi phát triển các ngành nghề lĩnh vực kinh tế. Sau khi tái lập tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, từng giai đoạn 5 năm để khai thác hiệu quả đất đai.
Quy hoạch, điều chỉnh phù hợp
Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền tảng cho mọi sự phát triển có sử dụng đất, là phân bổ, khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; góp phần kiến tạo không gian phát triển ở hiện tại, tương lai.
“Những năm qua, việc quy hoạch đất đai, điều chỉnh sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cơ bản phát huy tiềm năng quỹ đất, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá trong buổi họp giám sát với Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tổ chức trong cuối tháng 2 mới đây.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, việc quy hoạch, sử dụng đất phù hợp chính sách, pháp luật của Nhà nước theo từng giai đoạn, bởi đất đai thường xuyên biến động, giá trị gia tăng ngày càng cao. Nhất là từ khi cả nước triển khai Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014 (đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều điều khoản phù hợp so với Luật Đất đai 2003 trước đó). Ngay thời gian ấy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận 16 văn bản về hướng dẫn của cấp Trung ương, quy định chuyển tiếp của tỉnh, ngành thi hành luật này, góp phần giải quyết nhiều vướng mắc lĩnh vực phức tạp đất đai.
Tỉnh Bình Thuận đã công bố danh mục công trình đất lúa, đất rừng, các dự án có thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm khi ấy; quy định hạn mức (giao đất ở, công nhận đất ở), diện tích đất tối thiểu được tách thửa trên địa bàn tỉnh; bảng giá các loại đất ở tỉnh trong từng giai đoạn 5 năm. Tỉnh cũng quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, quy trình chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn…
Cùng với đó, quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011- 2015) đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 59/2013, được điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/6/2018. Cấp huyện có 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020. Trong giai đoạn này, thực hiện chỉ tiêu đất phi nông nghiệp Chính phủ giao, toàn tỉnh Bình Thuận đã chuyển đổi sang loại đất này được 83.189 ha, đang tiếp tục chuyển đổi thêm 28.858 ha. Đây là cơ sở để thu hút những dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trong nhiều năm qua. Đồng thời, theo chỉ tiêu đất nông nghiệp Chính phủ giao, tỉnh đã thực hiện còn 702.051 ha loại đất này, tiếp tục chuyển đổi loại đất này sang mục đích sử dụng khác 24.870 ha để phát triển kinh tế hiệu quả hơn…
Trong khuôn khổ liên quan, các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất của từng năm đã được UBND tỉnh Bình Thuận trình HĐND tỉnh thông qua tại 10 nghị quyết để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đề ra trong giai đoạn 2011- 2020.
Ông Trần Hữu Thành, Giám đốc Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai dự án lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025) và quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tỉnh Bình Thuận, thông qua đơn vị tư vấn Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Miền Nam. Phía đơn vị tư vấn đang xây dựng hoàn thiện phương án kế hoạch sử dụng đất giai đoạn này trên địa bàn theo quy định. Bên cạnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản lấy ý kiến các địa phương trong việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện để làm cơ sở cho UBND cấp huyện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030”.
Góp phần thu hút đầu tư
Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều chỉnh phù hợp đã góp phần thu hút dự án đầu tư các loại hình kinh tế khác nhau trong nhiều năm qua. Điển hình giai đoạn 2016 - 2021, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 5.350 ha cho 829 dự án đầu tư, công trình trọng điểm trên địa bàn… Thông qua việc giao, cho thuê đất đã đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, tính từ năm 2014 đến năm 2020, toàn tỉnh đã thu hơn 8.591 tỷ đồng từ các dự án giao đất, cho thuê đất; cùng với hơn 1.484 tỷ đồng thông qua việc đấu giá thu tiền sử dụng đất, do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. Nguồn thu từ quỹ đất đã góp phần xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tạo thu hút đàu tư và xây công trình phúc lợi xã hội của tỉnh.
Điều đáng nói, việc quy hoạch thu hút nhiều dự án công trình trọng điểm đã làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận ngày càng khởi sắc hơn. Ở phía Bắc tỉnh, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân hình thành với 3 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (1, 2, 4) đang hoạt động, phát điện thương mại, mỗi năm cung cấp tổng sản lượng điện gần 20 tỷ kWh lên lưới quốc gia, phát triển công nghiệp vùng Đông Nam bộ, đóng góp ngân sách nhà nước tỉnh hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Thái Bình Dương đã đưa Cảng Quốc tế Vĩnh Tân khả năng đón tàu vận tải hàng chục ngàn tấn vào cập cảng, hình thành dịch vụ công nghiệp - vận tải logicstic của tỉnh Bình Thuận. Vùng đất Tuy Phong còn thu hút hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời đã và đang đi vào hoạt động cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch. Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây, các đường dây 110, 220 kV, trạm biến áp 220 được xây dựng truyền tải điện trên địa bàn hòa lưới quốc gia.
Nhiều huyện, thị cũng đã hình thành khu, cụm công nghiệp, bước đầu thu hút nhiều dự án đầu tư. Ở phía Nam, dự án Khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Becamex VSIP Bình Thuận đang được nhà đầu tư xúc tiến, khai thác tiềm năng kinh tế cả khu vực Hàm Tân, Thị xã La Gi, kết nối vùng Đông Nam bộ. Trong khi đó, khu du lịch quốc gia Mũi Né đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch ven biển cả vùng rộng lớn từ Bắc Bình đến TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam. Hàng loạt dự án du lịch, khu, cụm công nghiệp hình thành, đất đai ngày càng có giá trị cao, người dân cũng được hưởng lợi.
Việc quy hoạch, chuyển đổi đất đai từng giai đoạn để ưu tiên phát triển công nghiệp, du lịch… đang dần biến những vùng đất hoang sơ, nắng gió trước đây thành thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận đang thực sự từng bước trở thành một trọng điểm phát triển của khu vực “cầu nối” giữa các vùng Đông Nam bộ - Nam Trung bộ - Tây nguyên (điểm giao ngã ba vùng).