Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai: Không để người dân đứng ngoài
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn nơi ở cũ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần phân định rõ hơn vai trò của Nhà nước khi đại diện chủ sở hữu và khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước về đất đai. Quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, đột phá, ổn định nhưng linh hoạt, mang tính tổng thể, toàn diện, liên thông.
Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường. Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được các khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ đi kèm với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc.
Đặc biệt, việc thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cuộc sống người dân phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, năm sau tốt hơn năm trước...
Vấn đề hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan đến đất đai, các chuyên gia nhận định chính là "chìa khóa" quan trọng để phát triển nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng một cách bền vững.
Theo GS.,TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT bài toán lớn nhất đặt ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa đất nước phát triển hùng cường hiện nay là phải có giải pháp để vốn hóa đất đai phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
"Vốn hóa đất đai nói đơn giản là chuyển đất thành tiền sao cho đảm bảo lợi ích giữa người sử dụng đất, người có vốn đầu tư vào đất và nhà nước, phải đảm bảo tính công bằng giữa các bên tham gia vào việc chuyển dịch đất đai và đây là vấn đề cần đặt trọng tâm và xem xét thật sự thấu đáo, có tầm nhìn trong lần sửa đổi Luật Đất đai 2013 sắp tới" - theo GS. Đặng Hùng Võ.
Không để người dân đứng ngoài
Thực tế cho thấy, đất đai vừa là tư liệu sản xuất vừa là tài sản có giá trị lớn với mỗi người dân. Tuy nhiên, hiện nay xuất phát từ quy định hiện hành đang tồn tại đồng thời 2 hệ thống giá đất gồm giá theo quy định của Bảng và khung giá đất do nhà nước quy định và giá đất thực tế thị trường đang đặt ra không ít bất cập.
Trong đó, vấn đề nóng nhất hiện nay là công tác định giá đất của cơ quan chức năng làm căn cứ xác định giá khởi điểm đấu giá đất, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như để tính các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
Xuất phát từ thực tế có những dự án thu hồi đất của người dân với một mức giá tương đối thấp sau đó lại được đấu giá hoặc triển khai đầu tư và bán với giá rất cao, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần đặt ra vấn đề xem xét, đánh giá lại bài toán hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan gồm người dân, doanh nghiệp và Nhà nước nhằm cân nhắc đúng mức về quyền lợi và vai trò của người dân có quyền sử dụng đất trước khi được nhà nước thu hồi.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng việc bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế bảo đảm cuộc sống người dân có đất bị thu hồi là rất cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong công tác dịch chuyển đất đai điểm phải quan tâm nhất là nguyên tắc chia sẻ lợi ích, đồng thuận phù hợp của người được đất và người bị thu hồi đất. Làm sao để người dân nói “được nhà nước thu hồi đất” chứ không phải là bị thu hồi đất. Tức là giá đất của người sử dụng đất được nhận về phải khiến họ hài lòng, vui vẻ và đồng thuận với giá mà nhà nước thu hồi" - PGS.,TS. Doãn Hồng Nhung bày tỏ.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình là chủ sử dụng.