Khẩn trương tạo điều kiện để duy trì sản xuất nông nghiệp
Sản xuất nông sản không thể bị ngừng trệ khi đây là lĩnh vực sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của mỗi người dân hằng ngày. Vậy sẽ ra sao nếu trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc vận chuyển các vật tư, nguyên vật liệu… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp bị ách tắc, khó khăn. Chắc chắn, thiệt hại sẽ không hề nhỏ.
Nếu vấn đề này không được sớm tháo gỡ thì liệu thời gian sắp tới chúng ta còn có thể đánh giá về tình hình nông sản đang dồi dào đủ để cung ứng cho tiêu dùng trong nước? Với việc áp dụng Chỉ thị 16 tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thực tế tại nhiều địa phương việc lưu thông vật tư, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp vốn mang tính thời vụ, cần có nguyên liệu sản xuất đáp ứng đúng thời điểm, nếu trễ đi thì sẽ khó đạt được năng suất, sản lượng đề ra.
Ngày 28/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuyển đi công văn số 4714/BNN-CN gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đề nghị triển khai một số biện pháp cấp bách để lưu thông hàng hóa kịp thời. Công văn nêu rõ về thực trạng, trong những ngày gần đây, Bộ NN&PTNT nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt về việc không duy trì được sản xuất, ứ đọng sản phẩm do việc lưu thông giống, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm qua các chốt kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Và đến nay, mặc dù nhiều tỉnh, thành đã ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhưng còn thiếu một số hàng hóa, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Trên thực tế, trong những ngày vừa qua, đã có rất nhiều các doanh nghiệp, người dân đã phải “kêu cứu” vì việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển những mặt hàng thiết yếu như vật tư, thức ăn chăn nuôi… phục cho sản xuất nông nghiệp bị ngưng trệ dẫn đến những thiệt hại đáng kể trong sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị, cá nhân sản xuất, thậm chí có thể dẫn đến phá sản. Điều này sẽ còn dẫn đến việc tái sản xuất vụ sau bị ảnh hưởng bởi người sản xuất đã thực sự kiệt quệ, không thể “bám trụ”.
Điển hình tại phía Bắc, theo phản ánh của báo chí những ngày gần đây cho thấy, nhiều trang trại nuôi gà, nuôi heo với quy lên đến hàng nghìn con của người nông dân gặp khó khăn, thậm chí chủ trang trại chỉ biết khóc khi nhìn đàn vật nuôi “gào thét” vì bị bỏ đói, vì lượng dự trữ thức ăn cho sản xuất đã cạn kiệt trong khi việc mua thức ăn chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do nhiều xe chở hàng không thể qua các chốt kiểm soát dịch. Hay việc vận chuyển bán con giống chăn nuôi không thể lưu thông được nên cơ sở sản xuất giống không thể có đủ kinh phí trang trải để tiếp tục nuôi đàn giống, và việc không bán được giống để phục vụ người dân tại các tỉnh tái sản xuất… dẫn đến cơ sở có nguy cơ bị phá sản.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Nam, theo phản ánh của Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT trong những ngày vừa qua, tại một số địa phương phía Nam, việc lưu thông một số mặt hàng dịch vụ thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có việc vận chuyển tôm giống đi các tỉnh gặp khó nên một số khu vực trên địa bàn một số tỉnh gặp khó trong thả tôm giống. Đồng thời, phản ánh của nhiều hợp tác xã cho thấy, đã có dấu hiệu tăng giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và phân bón; có dấu hiệu khan hiếm các vật tư phục vụ sản xuất tại một số tỉnh. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch,…
Trước tình hình trên, để đảm bảo phục vụ kịp thời người tiêu dùng, duy trì sản xuất, chủ động tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và chính quyền các cấp song song với việc kiểm soát phòng, chống dịch cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng, phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đến nội dung: Căn cứ vào khoản 3 Điều 4 của Luật Giá, các địa phương cần ban hành kịp thời danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Trong đó, lưu ý đến giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, bởi đây là những hàng hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài.
Trên thực tế, khoản 3 Điều 4 của Luật Giá đã nêu rõ về khái niệm hàng hóa thiết yếu: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Điều đó cho thấy, các nguyên liệu, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho sản xuất.
Thực tế cho thấy, nếu không tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện sản xuất thì thực sự sẽ là khó khăn đủ mọi bề cho người nông dân, các cơ sở sản xuất bởi thực chất ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm ngưng trệ đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản tại nhiều tỉnh, thành. Giá thành nhiều mặt hàng đã giảm mạnh vì gặp khó khăn về đầu ra.
Vậy nếu giờ đây, đến cả “đầu vào” cho sản xuất của người nông dân cũng gặp khó khăn nữa thì sẽ ra sao?. Và điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các hộ, doanh nghiệp sản xuất, ảnh hưởng đến chính thu nhập của họ, thậm chí với quy mô lớn thì thiệt hại không hề nhỏ, đồng thời, từ đây, còn ảnh hưởng đến chính kết quả sản xuất, sản lượng của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, khi mà chúng ta vẫn sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu với “giặc COVID-19”. Và chiến đấu với COVID-19 chắc chắn chúng ta sẽ còn cần tới nhiều nông sản, và tất nhiên, đây cũng là vấn đề về an ninh lương thực, thực phẩm của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ NN&PNTT Phùng Đức Tiến đã từng nêu ý kiến, phần vật tư nông nghiệp đều phải được lưu thông một cách thuận tiện để đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới có hiệu quả. Và đảm bảo được sản lượng nông sản cho một chu kỳ sắp tới đây. Nếu chúng ta chỉ có tập trung vào chống dịch mà không tập trung vào sản xuất thì “mục tiêu kép” sẽ không đạt được. Và lúc đó chúng ta rơi vào vòng khó khăn là thiếu nông sản, thiếu nguồn cung cho phục vụ cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Và chắc chắn nếu không duy trì được sản xuất nông nghiệp, không đảm bảo được nguồn cung nông sản để phục vụ cho tiêu dùng trong nước thì lúc nó tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng vì thiếu lương thực, thực phẩm trong lúc dịch bệnh đang rất phức tạp, cam go mà chúng ta đang phải dồn sức để chiến đấu.
Sẽ cần giải quyết được bài toán này ngay từ bây giờ và phụ thuộc rất lớn từ việc triển khai của các địa phương, thực sự quan tâm, tạo thuận lợi cho việc lưu thông những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến cây, con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật,… để người chăn nuôi, người sản xuất nông nghiệp có vật tư để yên tâm đầu tư cho sản xuất, tái vụ, chuẩn bị những mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ cho nhu cầu người dân hằng ngày và đặc biệt hơn sẽ là “hậu phương vững chắc” để mặt trận tiền phương yên tâm chống dịch COVID-19.
Tạo điều kiện để duy trì sản xuất nông nghiệp không thể là việc làm chậm trễ, các địa phương cần có những hành động cụ thể, khẩn trương ngay từ lúc này.
Ngày 25/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc số 1015/TTg-CN về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.
Trong văn bản nêu rõ đề nghị: Không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán Giấy nhận diện có mã QR Code của ngành Giao thông Vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.
Liên quan đến vấn đề lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vật tải Lê Đình Thọ đề nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT kê danh mục “nhóm mặt hàng thiết yếu” để các cơ quan chức năng tại các chốt có căn cứ thực hiện.